Khoa học, lương tâm và tự do

,
Diễn văn tiếp nhận tư cách thành viên của Hàn lâm viện Khoa học luân lý và chính trị của Viện Pháp Quốc



Ngày 13 tháng Giêng 1992, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã được bầu vào ghế Andrei Sakharov của Viện Pháp Quốc (L’Institut de France) một cơ quan học thuật bao gồm 5 Hàn lâm viện, trong đó có Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (Académie Francaise). Ngày 6 tháng 11 cùng năm, ngài chính thức nhận chức danh tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Luân Lý và Chính Trị, dưới thời chủ tịch của Ông Raymond Polin. Ông Édouard Bonnefous, chủ tịch Viện Pháp Quốc đã trao huân chương hồng của viện cho ngài. Nhân dịp này, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây, theo đăng tải của tờ Documentation Catholique, số 2062 ngày 20 tháng 12, năm 1992:

Quả là một vinh dự lớn cho tôi có thể từ nay làm thành viên của Viện Pháp Quốc khi được kế tục nhân vật vĩ đại là Andrei Dimitrijevitch Sakharov. Tôi thành thực biết ơn về việc này. Sakharov được kể vào số những đại biểu đáng lưu ý của ngành khoa học của ông, ngành vật lý, nhưng ông còn hơn một người đáng lưu ý: ông là một con người vĩ đại. Ông đã tranh đấu cho giá trị riêng của con người, cho phẩm giá đạo đức và tự do của họ, và vì vậy, đã tiếp nhận cái giá đau khổ, bị bách hại, từ bỏ khả thể có những công trình khoa học về sau. Khoa học có thể phục vụ nhân loại, nhưng nó cũng có thể trở thành công cụ của điều ác và do đó đem lại cho điều ác tất cả sự khủng khiếp của nó. Chỉ khi nào được tiến hành với trách nhiệm đạo đức, nó mới ở trong trạng thái thể hiện được yếu tính đích thực của nó.

Tôi không biết khi nào và cách nào mối tương quan của khoa học với đạo đức đã xuất hiện với Sakharov với tất cả vẻ nghiêm túc của nó. Một ghi chú vắn vỏi liên hệ tới giai đoạn cho tới năm 1955 cung cấp ở đây một dấu mốc. Tháng 11 năm 1955, đã bắt đầu có những cuộc thử nghiệm quan trọng vũ khí hạch nhân, kéo theo nhiều biến cố bi thảm: cái chết của một người lính trẻ và bé gái 12 tuổi. Trong một bữa tiệc nhỏ tiếp theo sau biến cố này, Sakharov nâng ly và bày tỏ hy vọng của ông rằng vũ khí Nga sẽ không bao giờ nổ trên các đô thị. Người có trách nhiệm vụ thử, một sĩ quan cao cấp, tuyên bố trả lời rằng nhiệm vụ của các nhà bác học là cải thiện vũ khí, còn cách chúng được sử dụng không phải là việc của họ. Ông ta bảo rằng, việc phán đoán của họ không có năng quyền đối với việc đó. Sakharov nói rằng lúc ấy ông đã tin điều ông tin bây giờ, đó là “một cách tuyệt đối, không con người nào lại không thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong một vụ việc mà hiện hữu của nhân loại tùy thuộc vào”.

Tận thâm tâm, viên sĩ quan, có lẽ không ý thức được, nhưng đã bác bỏ việc thừa nhận cho đạo đức một chiều kích thích đáng mà con người nào cũng có năng quyền. Trong tâm trí anh ta, rõ ràng chỉ có những năng quyền đặc thù thuộc bản chất khoa học, chính trị, quân sự. Thực sự, không hề có năng quyền đặc thù có thể ban quyền giết hay để người ta giết các mạng người. Bác bỏ khả năng nhân bản tổng quát được phán đoán điều thuộc con người như là con người là tạo ra một hệ thống giai cấp mới và do đó, làm giảm giá mọi người bởi vì lúc đó, con người không còn hiện hữu như thế nữa. Việc bác bỏ nguyên tắc đạo đức, việc bác bỏ cơ quan nhận thức có trước mọi điểm chuyên biệt mà chúng ta gọi là lương tâm này là bác bỏ chính con người. Sakharov đã nhiều lần và lúc nào cũng rất nhấn mạnh chỉ rõ trách nhiệm đó của mỗi cá nhân đối với mọi người; và ý nghĩa của trách nhiệm này giúp ông tìm được sứ mệnh riêng của mình.

Từ năm 1968 lúc ông bị loại trừ khỏi các công trình đụng tới bí mật quốc gia; ông càng trở nên đại diện hơn nữa cho các quyền công cộng của lương tâm. Tư tưởng của ông, từ nay, xoay quanh các nhân quyền, việc canh tân luân lý đất nước và nhân loại, và, một cách rộng lớn, các giá trị nhân bản nói chung và đòi hỏi của lương tâm. Ông, người rất yêu quí xứ sở của ông, buộc lòng trở thành người tố cáo một chế độ chuyên đẩy người ta đến chỗ vô cảm, chán nản, dửng dưng, làm họ rơi vào cảnh khốn cùng bên ngoài lẫn bên trong. Chắc chắn, người ta có thể nói, với việc sụp đổ của hệ thống cộng sản, sứ mệnh của Sakharov đã hoàn thành; nó tạo nên một trang quan trọng cho lịch sử nhưng nay đã thuộc dĩ vãng. Tôi tin rằng một quan niệm tương tự cũng sẽ là một sai lầm lớn lao và nguy hiểm. Trước nhất, rõ ràng xu hướng tổng quát của tư tưởng Sakharov hướng về nhân phẩm và nhân quyền, vâng theo lương tâm, dù phải chịu đau khổ, vẫn mãi là một sứ điệp không mất tính thời sự của ngay cả ở những nơi không còn bối cảnh chính trị để sứ điệp này có được tính thời sự thích đáng nữa.

Chủ nghĩa hư vô và trách nhiệm luân lý

Hơn nữa, tôi tin rằng các đe dọa đối với con người, các đe dọa, với việc thống trị của các đảng Mácxít, vốn trở thành các lực lượng chính trị cụ thể tàn phá nhân loại, ngày nay, tiếp tục đè nặng dưới các hình thức khác. Robert Spaeman gần đây nói rằng sau việc sụp đổ của ảo tưởng, thời ta, có sự loan truyền một chủ nghĩa hư vô tầm thường mà các hệ quả cũng tỏ ra khá nguy hiểm. Chẳng hạn, ông nhắc nhớ triết gia Hoa Kỳ Richard Rorty, người vừa phát biểu thứ ảo tưởng mới đầy tầm thường. Lý tưởng của Rorty là một xã hội tự do trong đó sẽ không còn các giá trị và tiêu chuẩn tuyệt đối nữa; phúc lợi sẽ là thứ duy nhất người ta nên theo đuổi. Trong phê phán thận trọng nhưng hoàn toàn có tính cương quyết đối với thế giới phương tây, Sakharov đã dự đoán mối nguy tự lộ diện trong cuộc di tản tính nhân bản, khi ông nói đến “phương thức duy tự do tả phái” hay tố cáo tính ngây thơ và chủ nghĩa khuyển nho thường xuyên làm tê liệt Phương Tây, trong khi ông đề cập tới việc Phương Tây phải đảm nhiệm trách nhiệm luân lý của nó.

Ở đây, chúng ta thấy mình đứng trước vấn đề được Sakharov ngỏ với chúng ta ngày nay: Thế giới tự do có thể đảm nhiệm ra sao trách nhiệm luân lý của nó? Tự do chỉ giữ được phẩm giá của nó nếu nó giữ cho nó luôn nói kết với nền tảng của nó và sứ mệnh đạo đức của nó. Một nền tự do mà nội dung duy nhất hệ ở việc thỏa mãn các nhu cầu của mình, sẽ không phải là nền tự do của con người; nó mãi nằm ở lãnh vực thú vật. Bị lấy mất nội dung của nó, tự do cá nhân tự hủy chính nó, vì tự do của cá nhân chỉ có thể hiện hữu trong trật tự các quyền tự do. Quyền tự do cần một nội dung cộng đồng mà chúng ta có thể định nghĩa như việc bảo đảm các nhân quyền. Nói cách khác, ý niệm tự do đòi hỏi phải được bổ túc bằng hai ý niệm khác: quyền lợi và sự thiện. Chúng ta có thể nói rằng thuộc tự do là khả năng của lương tâm tri nhận được các giá trị của nhân loại vốn có tính nền tảng và liên quan tới từng người. Về điểm này, ngày nay, chúng ta cần nối dài tư tưởng của Sakharov và thích ứng nó với tình thế hiện nay.

Sakharov biết ơn thế giới tự do đã cam kết ủng hộ ông và ủng hộ những người bị bách hại khác, nhưng tuy nhiên, vì nhiều sự kiện chính trị và trước nhiều số phận, ông vẫn không ngừng sống một cách cảm kích sự thách thức của ông đối với Phương Tây. Ông không nghĩ nhiệm vụ của ông là phân tích các chủ đề quán xuyến sâu xa của nó, nhưng ông vẫn có cái nhìn sáng suốt về sự kiện quyền tự do thường bị hiểu một cách vị kỷ và hời hợt. Người ta không thể muốn có tự do cho riêng mình. Tự do có tính bất khả phân chia và luôn phải được hiểu như một sứ mệnh đối với toàn thể nhân loại. Điều này có nghĩa: người ta không thể nào có nó mà không phải hy sinh và quên mình. Nó đòi người ta lưu tâm tới điều luân lý, trong tư cách dây liên kết công cộng và cộng đồng, luôn được hiểu một cách họ phải thừa nhận trong nó một lực lượng có tính dứt khoát trong việc phục vụ con người, cho dù tự nó, nó không phải là một lực lượng. Tự do đòi hỏi các chính phủ và những ai gánh vác trách nhiệm chịu tuân theo điều tự nó không có chống đỡ và không thể thi hành bất cứ cưỡng chế nào.

Với bình diện ấy hiện có mối đe dọa của các nền dân chủ hiện đại, điều mà chúng ta phải suy nghĩ trong tinh thần Sakharov. Bởi vì khó thấy làm thế nào nền dân chủ, vốn dựa trên nguyên tắc đa số, lại có thể duy trì mạnh mẽ các giá trị luân lý vốn không được đa số thừa nhận, tuy không du nhập chủ nghĩa giáo điều vốn xa lạ với nó. Rorty thích đề tài cho rằng một lý trí được đa số hướng dẫn luôn du nhập một số ý tưởng trực quan như việc bãi bỏ chế độ nô lệ, chẳng hạn. Thế kỷ 17, Pierre Bayle còn phát biểu một cách lạc quan hơn. Vào cuối những cuộc chiến tranh đẫm máu trong đó, các tranh cãi lớn về đức tin vốn xô Âu Châu tới bờ vực thẳm, ông cho rằng, siêu hình học không liên quan gì tới đời sống chính trị: chân lý thực tiễn đã đủ. Theo ông, chỉ có một nền luân lý duy nhất, phổ quát và tất yếu, vốn là ánh sáng rõ ràng và chân thật mà mọi người đều tri nhận được khi họ chịu mở mắt ra. Các ý tưởng của Bayle phản ảnh tình huống tâm linh của thế kỷ ông sống: sự hợp nhất đức tin đã tan rã, người ta không còn có thể coi như thiện ích chung các chân lý thuộc lãnh vực siêu hình học. Nhưng các xác tín luân lý nền tảng và có tính yếu tính mà với chúng Kitô giáo vốn đào tạo các linh hồn luôn là những chắc chắn không bàn cãi mà dường như chỉ có lý trí mới có thể tri nhận được bằng chứng thuần túy của nó.

Tự do, quyền lợi và điều thiện

Các khai triển của thế kỷ này dạy chúng ta rằng không hề có bằng chứng nào làm căn bản cố định và chắc chắn cho mọi quyền tự do. Lý trí rất có thể không còn nhìn thấy các giá trị yếu tính; ngay trực giác mà Rorty dựa vào cũng không hẳn không có giới hạn. Như thế, ý tưởng ông nhắc tới theo đó chế độ nô lệ phải bị hủy bỏ, vốn không hề hiện hữu trong nhiều thế kỷ và người ta có thể dễ dàng bác bỏ nó đến đâu một lần nữa, lịch sử các nhà nước toàn trị trong thế kỷ này đã chứng minh đủ rõ ràng. Tự do có thể tự hủy bỏ chính nó, tự chán ngấy chính nó, một khi nó trở nên trống rỗng. Diều này, chúng ta cũng từng sống qua trong thế kỷ của mình: một quyết định đa số có thể hủy diệt tự do. Ở gốc rễ nỗi lo lắng mà Sakharov cảm nghiệm trước sự ngây thơ và khuyển nho của Tây Phương, có vấn đề tự do trống rỗng và vô phương hướng. Chủ nghĩa duy nghiệm khắt khe từng tự phát biểu qua việc tuyệt đối hóa nguyên tắc đa số, một ngày nào đó, nhất định sẽ tự đảo ngược trở thành chủ nghĩa hư vô. Chính mối nguy hiểm này là điều chúng ta phải chống đối ở những nơi nào cần phải bảo vệ tự do và các nhân quyền. Chính trị gia Danzig Hermann Rauschning, năm 1938, từng chẩn đoán một cuộc cách mạng duy hư vô trong chủ nghĩa Quốc Xã: “Không có và không hề có chủ nghĩa nào chỉ trừ chủ nghĩa quốc xã là sẵn sàng, bất cứ lúc nào, hy sinh hay đặt lên phía trước vì lý lẽ của phong trào”. Chủ nghĩa duy quốc gia chỉ là công cụ được chủ nghĩa hư vô sử dụng, nhưng nó cũng sẵn sàng không kém tự vứt bỏ bất cứ lúc nào để được thay thế bằng một điều khác.

Đối với tôi, dường như ngay các biến cố mà chúng ta đang quan sát thấy một cách đầy âu lo ở nước Đức ngày nay không giải thích đầy đủ cái nhãn thù nghịch đối với người xa lạ. Xét cho cùng, cả ở đấy, ở tận đáy của nó, cũng có một chủ nghĩa hư vô phát sinh từ cảnh trống rỗng của linh hồn: trong nền độc tài quốc xã cũng như trong nền độc tài cộng sản, vốn không có hành động nào bị coi như tự nó xấu xa và luôn vô luân. Bất cứ điều gì phục vụ cho mục tiêu của phong trào hay của đảng đều tốt, hết sức phi nhân bản. Như thế, trong các thập niên qua, người ta hỗ trợ việc sụp đổ của cảm thức luân lý, tất yếu phải tự biến đổi thành chủ nghĩa hư vô hoàn toàn vào ngày trong đó, không một mục đích trước đây nào còn giá trị nữa và trong đó, tự do tự giản lược vào khả thể làm bất cứ điều gì có thể, ngay lúc này, làm cho một cuộc sống đã trở nên trống rỗng thành lôi cuốn và gây thích thú.

Chúng ta hãy trở lại vấn đề: làm thế nào người ta có thể đem trở lại cho quyền lợi và điều thiện trong các xã hội của chúng ta sức mạnh của chúng chống lại sự ngây thơ và khuyển nho, để sức mạnh tương tự của quyền lợi không bị áp đặt hoặc xác định một cách võ đoán, tùy tiện bởi sự cưỡng bức từ bên ngoài. Về khía cạnh này, phân tích của A. de Tocqueville trong La Démocratie en Amérique [Nền Dân chủ tại Hoa Kỳ] luôn gây ấn tượng nơi tôi. Để tòa nhà này, tự nó mong manh, từ nay duy trì được sự gắn bó của nó và làm cho trật tự các tự do thành khả hữu trong một nền tự do được sống một cách cộng đồng, nhà tư tưởng chính trị vĩ đại nhìn thấy một điều kiện chủ yếu trong sự kiện ở Hoa Kỳ, luôn sống động một xác tín luân lý nền tảng, một xác tín, được nuôi dưỡng bởi Kitô giáo Thệ phản, cung cấp cơ sở cho các định chế và cơ chế dân chủ.

Thực vậy, các định chế không thể tự duy trì và hữu hiệu nếu không có các xác tín đạo đức chung. Hoặc các xác tín này không phát xuất từ một lý lẽ hoàn toàn thực nghiệm. Các quyết định của đa số chỉ mãi thực sự nhân bản và hữu lý bao lâu giả định sự hiện hữu của một cảm thức nhân ái nền tảng và tôn trọng cảm thức này như ích chung chân thực, làm điều kiện cho mọi điều thiện khác. Những xác tín như thế đòi hỏi các thái độ nhân bản tương ứng, và các thái độ này không thể phát triển khi nền tảng lịch sử của nền văn hóa và các phán đoán đạo đức tôn giáo mà nền văn hóa này chứa đựng không được xem xét. Đối với một nền văn hóa và một quốc gia, tự cắt đứt khỏi các sức mạnh đạo đức và tôn giáo của lịch sử mình, chắc chắn sa vào chỗ tự sát. Vun sới các phán đoán luân lý thiết yếu, duy trì chúng và bảo vệ chúng mà không áp đặt chúng một cách cưỡng bức, đối với tôi xem ra là một điều kiện sống còn của tự do chống lại mọi chủ nghĩa hư vô và các hệ quả toàn trị của chúng.

Cũng chính trong điều đó, tôi nhìn thấy sứ mệnh công cộng của các Giáo Hội Kitô giáo ngày nay. Điều thích hợp với bản chất của Giáo Hội là Giáo Hội tách biệt khỏi nhà nước và đức tin của Giáo Hội không thể bị nhà nước áp đặt mà phải dựa vào các xác tín tự do chọn lựa. Về điểm này, Origen có những lời rất đẹp, nhưng tiếc thay, không luôn được lưu ý đầy đủ: “Chúa Kitô không chiến thắng ai nếu chính người này không muốn điều đó. Người chỉ chiến thắng bằng cách thuyết phục; vì Người là Lời của Thiên Chúa. Giáo Hội không thuộc vấn đề làm một nhà nước hay một phần của nhà nước mà là một cộng đồng đặt căn bản trên các xác tín. Nhưng thuộc về Giáo Hội còn là việc biết mình có trách nhiệm đối với mọi người và không thể tự giới hạn vào chính mình. Với quyền tự do thích đáng của riêng mình, Giáo Hội có nhiệm vụ chăm lo tự do của mọi người, một cách giúp cho các lực lượng luân lý của lịch sử mãi là các lực lượng của hiện tại và bằng chứng các giá trị này luôn tái hiện như mới mà nếu không có nó tự do chung sẽ là điều bất khả.