Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai?


Nguyên tác “Wer ist ein Christ?” Của Hans Urs von Balhasar
Nhà Xuất Bản JohannesVerlag, Einsiedeln, giữ bản quyền 1983
Bản tiếng Anh của Frank Davidson,
Nhà xuất bản Ignatius, năm 2014




Giới thiệu

Kitô hữu là ai? Là một cuốn sách nhỏ, ít được nhắc đến trong số rất nhiều trước tác của von Balthasar. Khi cho công bố bản tiếng Anh năm 2014, nhà xuất bản Ignatius cho rằng tựa đề cuốn sách là một câu hỏi ngắn. Trong hình thức dài hơn của nó, câu hỏi có thể là: “trong những hoàn cảnh thay đổi sau Công đồng Vatican II, với chủ đề aggiornamento [cập nhật hóa] của nó, nhất là trong lãnh vực Kinh thánh, Phụng vụ, Đại kết, và cởi mở với thế giới hiện đại, làm một Kitô hữu ngày nay thực sự có nghĩa gì?”

Balthasar bắt đầu bằng việc thừa nhận sự mơ hồ lẫn lộn của nhiều người sau Công đồng Vatican II. Rồi ngài mô tả các đóng góp quí giá của Công đồng trong 4 phạm vi nói trên. Nhưng ngài không quên mô tả “các bóng tối” của chúng: điều gì đã có thể đi sai và quả tình đã đi sai. Cuối cùng, ngài chỉ ra nẻo đường canh tân chân chính trong đời sống bản thân của Kitô hữu và trong việc họ phục vụ thế giới.

Trong các chủ đề và vấn đề chủ chốt được Balthasar thảo luận trong cuốn sách này, có các chủ đề và vấn đề sau đây: tính ưu việt của chiêm niệm, Kitô hữu trưởng thành là ai, tình yêu là mô thức của Cuộc Sống Kitô hữu, Kitô hữu Nên và Không nên Phục vụ Thế giới ra sao, Bất chấp mọi điều, Cam kết duy nhất, và Cầu nguyện, Hy vọng, và Trần tục.

Ngài viết: “Do đó, chúng ta phải cương quyết xoay người lại và tiếp cận điều xem ra ở sau ta như là điều ở trước ta. Đặt câu hỏi ‘Kitô hữu là ai?’ trước ta, và hết sức cố gắng trả lời nó, đó là cách tiếp cận đúng đắn, vì câu trả lời nhất thiết phải đến với chúng ta từ ngọn nguồn mà từ đó đời sống Kitô hữu đã được ban cho chúng ta, tức, Lời Thiên Chúa... Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa cách đúng đắn trong dấu chỉ Lời Chúa và Bí tích, nhưng chỉ với mục đích đi tìm Người một cách mê say hơn nơi Người chưa hiện diện và là nơi chúng ta phải đem Người tới. Hay, đúng hơn, nơi Người đã cư ngụ nhưng chưa ai nhìn thấy, và là nơi chúng ta phải khám phá ra Người”.

Xin nói rõ hơn một chút, như trong bài “Sự nghiệp Đồ sộ của Balthasar” (Vietcatholic, từ ngày 1/11/2021) đã đề cập tới: Khởi đầu, ngài không mấy cảm phục hướng cởi mở của Vatican II đối với thế giới theo nghĩa thích nghi với thế giới, bắt kịp thời đại. Theo ngài, trung tâm, trái tim thực sự của Kitô giáo, đã bị lãng quên, đang bị mất đi với hướng đi đó.

Chúa Kitô đâu có hòa hợp với thời đại, khi Người thi hành sứ mệnh của Người và chết trên Thập giá, một gương mù đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại...

Ngài nhấn mạnh: “Thất bại, thất vọng, lui bước, hành tỏi, khinh thường, và cuối cùng, như tinh hoa của cuộc sống, phá sản lớn. Đó là bánh hằng ngày của Chúa Kitô và sẽ luôn là số phận của Giáo hội trong thế giới này. Bất cứ người nào muốn trở thành chi thể của Giáo hội đều phải chuẩn bị cho những điều như vậy, vì sẽ không có quá trình tiến hóa nào loại bỏ được chúng”.

Vì vậy, tất cả sự dấn thân của Kitô hữu vào thế giới đều dẫn đến việc cầu nguyện... Cầu nguyện trong lúc đơn giản hiện diện trong lòng thế giới phi Kitô giáo.

Chúng tôi chuyển ngữ trọn cuốn sách của Cha von Balthasar vì nghĩ cho cùng chúng ta hiện đang đứng trước nguy cơ quá hăm hở bước theo đời như dự ứng của nhà thần học vĩ đại này.

I. Cuộc Chạm Trán Sơ Khởi

Câu hỏi kinh hoàng

Người trẻ hỏi chúng ta. Ai có thể cho họ một câu trả lời? Trước khi họ hỏi chúng ta, họ nhìn xung quanh với một sự ngờ vực có phương pháp nào đó, rất chính đáng. Những người tự xưng là Kitô hữu này —họ dựa các tuyên bố của họ trên điều gì? Bằng thước đo nào chúng ta đo lường được truyền thống, giáo lý, thực hành bí tích của họ? Bằng Sách Tin Mừng? Nhưng mọi điều trông rất khác ở đó. Và vì vậy chúng ta phải nại tới trung gian của Huấn quyền Giáo hội. Nhưng rồi mọi sự thực sự bắt đầu trở nên khó hiểu, vì bây giờ chúng ta không còn có thể nhìn thẳng vào nguồn gốc nữa nhưng, thay vào đó, phải nhìn gần đó, có thể nói thế; và vì vậy những cuộc cãi vã gây mệt mỏi bắt đầu: về những tuyên bố của các giáo sĩ cho rằng mình biết chính xác ý định của người sáng lập, có thể giải thích chúng một cách đúng đắn và thậm chí áp đặt điều giải thích này một cách có thẩm quyền lên lương tâm của chúng ta. Nhưng vì các giải thích như vậy phần nào thường luôn có các đặc điểm của thời đại riêng của họ, và ai có thể qui lỗi cho họ về điều này? Tất nhiên, chúng vốn được dự định như thế, nên không thể tránh được việc, trong tinh thần đã thay đổi của thời đại, các giải thích đã từng được đề xuất một cách mạnh mẽ đến thế nay mất đi sức mạnh và tính khẩn cấp [immediacy] của chúng và trở nên nhợt nhạt, công thức và thường gây bối rối, thường bị coi như "ý thức hệ" có kỳ hạn. Vì vậy, một aggiornamento [cập nhật hóa] trở nên không thể thiếu, và trong khi nhiều người lớn tiếng ngưỡng mộ "năng lực đổi mới" liên tục của Giáo Hội, những người khác bắt đầu cảm thấy âm thầm khó chịu khi các chủ trương từng được bảo vệ kiên quyết bấy lâu nay bị bỏ rơi, bị đào ngũ, bị san bằng mặt đất như thể chúng chỉ còn là các tiền đồn vô nghĩa hoặc các pháo đài cổ xưa. Và vì thế câu hỏi được đặt ra, có khi còn đáng lo ngại hơn, là: Cuối cùng, phải tìm thước đo ở đâu? Nhìn lại nguồn gốc lại càng đòi hỏi nhiều hơn, vì các khía cạnh lịch sử dường như đều đang chuyển dịch, giống như các đụn cát chuyển chỗ vậy. Vậy thì, đâu là nền tảng? Ở đâu, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi Kitô hữu là ai? Và ngay cả khi câu hỏi này không bừng cháy trong bản thân tôi, thì nó vẫn bừng cháy nơi những người xung quanh tôi. Nếu tôi là một người cha, con trai tôi sẽ muốn biết, và tôi sẽ không thể hành động với nó như thể tôi đã biết câu trả lời và do đó đánh lừa lương tâm của nó. Nếu tôi là một thầy giáo, thì tôi sẽ lạm dụng thẩm quyền của mình nếu tôi rao bán cho các trẻ em những khái niệm mà bản thân tôi không sẵn sàng cho là đáng tin. Nếu họ là đồng nghiệp của tôi hoặc những người bạn đồng hành khác, thì bạn cũng như thù đều mong đợi câu trả lời tốt hơn từ tôi hơn là người học trò mong đợi nơi giáo viên, và ít có xác suất bị trì hoãn hơn. Vì vậy, ngay cả khi chính tôi không đặt câu hỏi, những người khác cũng buộc tôi phải đặt câu hỏi này.

Bị cô lập một cách đau đớn

Đồng thời, tình huống người Kitô hữu hỏi hoặc được hỏi bị cô lập như chưa từng thấy trước đây. Cho đến nay luôn có một số điểm tham chiếu chung cho cuộc tranh luận tôn giáo, hoặc ít nhất có vẻ như có một nền tảng chung mà người ta có thể dựa vào, để họ chỉ phải tranh luận về các khác biệt thứ yếu. Tình thế của Thánh Phaolô ở Areopagô, sau một buổi sáng đi dạo qua các ngôi đền và đền thờ của Athens, bây giờ dường như hoàn toàn đáng ước ao đối với chúng ta. Những người đối thoại của ngài “rất tôn giáo”; không những họ coi Thần tính như cai trị mọi nơi trong vũ trụ, nhưng thậm chí họ không có khó khăn nào trong việc ít nhiều tin tưởng một cách chắc chắn vào một loạt các mạc khải bản thân khác nhau và thừa nhận sự tôn thờ chính thức của nhà nước đối với chúng. Lúc đó, có thể nói, chỉ còn vấn đề tiết lộ "vị Thiên Chúa vô minh " cho họ và chỉ cho họ thấy khác biệt hoàn toàn xiết bao giữa những phụng tự hiện có và cách Người đã tự mình mạc khải cho biết trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Không nghi ngờ gì nữa, với Rôma, trận chiến sau đó khó khăn và khắc nghiệt trong một thời gian, nhưng tương đối rất sớm giành được chiến thắng, và từ đó trở đi, trong suốt thời Trung cổ, Phục hưng và baroque, Phong tào Ánh sáng và chủ nghĩa duy tâm, cuộc tranh luận về tôn giáo mãi nằm trong khuôn khổ trao đổi ở đồi Areopagô. Khi Thánh Tôma Aquinô nói với người Do Thái và "người ngoại giáo" (nghĩa là Hồi giáo), tiền đề chung là việc thừa nhận căn bản về Đấng Thần linh, về sự khác biệt của Người với thế giới, và cả tư cách ngôi vị [personhood] của Thiên Chúa và việc mặc khải của Người nơi một hoặc nhiều nhà tiên tri lịch sử. Trên cơ sở các tiền đề tương tự, Roger Bacon, Ramon Llull, Nicolas thành Cusa đã xây dựng các cách tiếp cận có tính hòa giải và thường rất thoả hiệp của họ đối với tôn giáo. Thời kỳ Phục hưng tiếp tục các cách tiếp cận trên vì nó nhìn lại thế giới cổ đại và, khi xem xét các khía cạnh đang dần dần xuất hiện khác của lịch sử tôn giáo, vẫn coi Kitô giáo là biểu hiện cao nhất và đẹp nhất của các tôn giáo thế giới, vì khi so sánh chúng, nó thấy tính ưu việt, tuyệt đối ưu việt của mạc khải Kitô giáo như là điều hiển nhiên. Phong trào Ánh sáng đưa ra một quan điểm về cơ bản tương tự như thế, dù âm sắc có phần thay đổi và các tôn giáo thế giới hiện nay được nhìn dưới khía cạnh “khả năng” tôn giáo của con người đúng nghĩa.

Nhưng khả năng này — vì giờ đây nó được coi là một trong những khả thể hoặc “năng lực” của con người - sau đó bị chỉ trích ngày càng mạnh mẽ hơn về phương diện triết học và rồi về phương diện lịch sử và khoa học; vì nếu con người "có thể" có tôn giáo, thì họ cũng có thể đối đầu với Thiên Chúa của họ, và người ta có thể chứng minh được các hình ảnh của họ về Thiên Chúa tương ứng ra sao với các nhu cầu luôn thay đổi và mức độ đào tạo của họ, và, do đó, một khi đạt đến độ chín mùi, họ cũng có thể được dẫn đến việc công nhận họ đang bịa ra các ngẫu tượng cho chính họ để thỏa mãn nhu cầu yêu thương và thờ phượng, cảm thức công lý của họ, khát vọng được sống hạnh phúc sau khi chết của họ. Nhưng đối với người lớn đã trưởng thành, ngôi nhà búp bê như vậy không còn thích hợp nữa. Và quả thực, chúng ta có thể sống còn mà không cần bất cứ thứ nhà búp bê nào, thậm chí còn sống còn rất tốt nữa. Một khi con người được để yên để tự mình lo liệu, dường như họ tiến nhanh hơn nhiều và tiến chắc chắn hơn tới mục tiêu của họ. Ngày nay, không một người hợp lý nào còn cầu nguyện lâu hơn nữa; thời đại chiêm niệm đã qua - bây giờ là thời hành động. Bây giờ con người không những có nhiệm vụ đối với thế giới của họ mà còn đối với cả chính mình và làm cho mình trở thành bất cứ điều gì họ chọn lựa. Và đối với các bạn là các Kitô hữu, các bạn có còn chần chừ tiến lên phía trước giữa hàng ngũ của nhân loại tự tin này không? Nếu có, các bạn đã đưa ra một quyết định trái với luận lý của lịch sử thế giới, không đơn thuần chỉ chống lại một cách bất lực mà đã bị bước tiến không ngừng nghỉ của nó đè bẹp. Trong quá khứ, trong thế giới cổ thời – bất kể với các triết gia ngoại giáo hay Kitô giáo, mọi điều đều xoay quanh “việc hoán cải” (quay lại, epistrophë) rời bỏ thế giới quay trở lại với Thiên Chúa. Ngày nay, điều đòi hỏi nơi tất cả chúng ta, kể cả các bạn, các Kitô hữu, những người đã dành quá nhiều thời gian, quá lâu để hướng về Thiên Chúa, là một sự quay đầu, một việc toàn diện trở về với thế giới (1). Dù gì đi nữa, há điều này đã không phù hợp với luận lý Kitô giáo của riêng bạn đó sao? Há các môn đệ đầu tiên không được vị sáng lập của các bạn sai đi toàn thế giới đó sao? Các bạn đang tự mâu thuẫn với chính mình, vì trong khi tất cả mọi người khác đang nhìn về phía trước, các bạn là những người duy nhất nhìn về phía sau.

Kitô hữu bị để mặc trong việc nhìn quanh tìm sự giúp đỡ. Những gì có thời từng giống như bộ y phục ấm áp, bảo hộ bây giờ đã bị lột bỏ, để họ một mình cảm thấy trần truồng một cách ngượng ngùng. Họ cảm thấy như một hóa thạch từ một thời đại đã biến mất.

Đạo đức học thông qua thống kê

Với sự suy giảm của tôn giáo, có một sự suy giảm tự động trong các hình thức đạo đức học bắt nguồn từ tôn giáo. Một mặt, có một loại đạo đức học được khẳng định hoàn toàn hoặc chủ yếu dựa trên khái niệm về công lý và trừng phạt vĩnh cửu. Nhưng con người hoặc là đạo đức trong chính mình hoặc không như vậy chút nào; cư xử dựa trên khen thưởng hoặc trừng phạt bị nghi vấn về mặt đạo đức, hoặc dù sao vẫn không trong sáng.

Mặt khác, có đạo đức học cao hơn tìm cách làm điều tốt mô phỏng theo Đấng Tốt lành cao cả nhất: vì Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiện hữu, vì Chúa khiến mặt trời mọc một cách không thiên vị, cho cả người tốt lẫn người xấu, do đó, chúng ta cũng phải cố gắng biết ơn và vị tha. Nhưng nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì sao? Liệu sự vị tha như vậy có còn trong bản chất của con người không? Dù sao, há thế giới xã hội động vật không dẫn chúng ta đến chỗ suy diễn điều này như một điều gì đó mà trong chính chúng ta chỉ đơn thuần giả định một hình thức cao hơn của việc tự quản trị lấy mình đó sao? Hơn nữa, há điều cho là vị tha này không được tái cân bằng bởi một khuynh hướng lành mạnh, tự nhiên đối với tính tự thân [selfhood], tự ái và quan tâm đến bản thân, chẳng hạn như những gì được sở hữu ở dạng sơ đẳng bởi thế giới sự sống cấp hạ nhân [subhuman] đó sao? Trong trường hợp này, đạo đức học của chúng ta nên được đặt đâu đó ở trung điểm lành mạnh, giữa việc quan tâm đến bản thân và lòng vị tha. Con người chắc chắn không cần một quy chiếu về Thiên Chúa, càng không cần một mạc khải bản thân, để tuân giữ những điều như vậy.

Các bạn Kitô hữu thân mến, các bạn hãy cân nhắc xem liệu các đòi hỏi đạo đức cao thượng của các bạn có xa lạ đối với thế giới hay không, liệu nó cũng không như thế vì, cùng với nền đạo đức học của thế giới đã lỗi thời, xưa cũ, chúng thuộc loại dành riêng cho "các bậc anh hùng" (mà các bạn gọi là thánh), cho loại người cao quý, quý tộc, cũng như trong các rạp hát cổ thời, quy ước nghiêm ngặt là chỉ các vị vua chúa, anh hùng và các vị thần mới được phép xuất hiện (cũng như trong nhà hát Kitô giáo, các vị thánh tử đạo hoặc các vị thánh anh hùng khác, hoặc ít nhất là các thiên thần và những vị tương tự), trong khi dân dã thông thường chỉ được phép đóng vai trò của họ trong các hài kịch dâm ô, tục tĩu — trong đó, tình cờ, các vị thần và con người xử sự với nhau một cách vui nhộn nhất. Trước đây như thế đó; và từng như vậy quá lâu trong thời Kitô giáo.

Tuy nhiên, điều con người thực sự là gì và có thể làm gì, chỉ trở nên rõ ràng khi chúng ta không còn đo lường họ theo những hình ảnh cao qúi như vậy nữa, theo những lý tưởng không thể nào đạt tới và thậm chí quả thực không phải là mong muốn của một người bình thường mà phải đơn giản chấp nhận họ, một cách thực tiễn, như họ đang là. Điều này được xác định dễ dàng nhất bằng các cuộc khảo sát, báo cáo, thống kê. Giá trị trung bình, có lẽ được suy ra từ cơ sở thống kê rộng rãi nhất, chỉ đơn giản cho thấy hầu hết mọi người không đơn giản thuộc khối massa damnata [quần chúng bị trầm luân] nhưng, theo cách riêng của họ, họ là những người cư xử khá tốt và thậm chí còn sở hữu một điều gì đó giống như "phẩm trật các giá trị", một phẩm trật, do đó, không cần phải áp đặt lên họ từ bên ngoài và từ bên trên, và hơn thế nữa, những ai chấp nhận người ta như họ là chắc chắn sẽ nhận được từ họ một phản hồi tốt hơn ai đó sẽ đem cả mười hoặc năm mươi điều răn xuống cho họ từ trên núi cao hay ngọn núi khác, chỉ có đạo đức cao hơn mới có thể với tới được.

Các bạn cũng vậy, thưa các bạn Kitô hữu thân yêu, các bạn là tài liệu để thống kê. Một bách phân nào đó của loài người được gọi là Kitô hữu. Một lần nữa, một phần nhỏ trong số này là người Công Giáo (số lớn tự nhận như thế). Tôi để các bạn tự thu thập một bảng thống kê cho thấy tỷ lệ bách phân trong số các bạn “thực sự” là Kitô hữu và là người Công Giáo; các phương pháp các bạn muốn sử dụng để xác định điều này, tôi không thể hiểu nổi.

Há các số liệu thống kê không đủ để thiết lập một số chuẩn mực có giá trị tổng quát và do đó có tính bắt buộc đối với tác phong con người, những chuẩn mực tất nhiên có thể được cảnh sát hỗ trợ khi cần đó sao? Tất cả những điều vô nghĩa về mệnh lệnh tiên thiên tuyệt đối hay luật tiên thiên tự nhiên nhằm mục đích gì? Chắc chắn, nói rằng, để sống cùng với đồng loại của mình như một hữu thể sinh lý và cũng như một hữu thể hữu lý, con người phải tuân thủ các luật chơi nhất định và kiềm chế các đam mê vô độ của mình là đủ rồi. Đối với điều còn lại, họ có thể là người tự do, khoan dung. Các tôn giáo và hệ thống đạo đức đặc thù, miễn là đừng hoàn toàn bất tương hợp với lợi ích chung, có thể để tự do theo quyền sử dụng và theo sự lựa chọn của cá nhân. Một sự cạnh tranh tự do và cởi mở như thế về lâu dài cũng nên có lợi cho tất cả những người cạnh tranh. Tại sao? Vì làm một người đứng đắn đã là một điều đáng kể rồi và không tôn giáo nào miễn chước cho chúng ta điều này. Ngược lại, mọi tôn giáo đều làm hết sức mình để giới thiệu với nhân loại mức độ họ tạo ra những con người đứng đắn. Nói tóm lại, những ai thể hiện tốt nhất hình ảnh mà hầu hết mọi người thích gặp nơi những người khác, cho dù có lẽ bản thân họ không thành công trong việc đạt được nó.

Kỳ tới: Gánh nặng của người đã chết