THÁNH THỂ, BÀN TIỆC TÌNH YÊU
LỄ MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ

Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật sống. Khi tôi ăn uống, thức ăn, thức uống trở thành tôi. Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên… nhờ bao nhiêu chất dinh dưỡng từ chút rau xanh, cá tươi, hoa trái…

Trừ những bữa tiệc, những độ nhậu phi nghĩa, phi đạo đức, nhằm mua quan, bán chức, hối lộ, mãi lộ, nịn hót... Hoặc những bữa tiệc, những độ nhậu mà người ta dùng như một cuộc hẹn hò làm ăn, bàn tính, thậm chí qua đó, người ta lên chương trình cho cả một hệ thống phi luân lý như cùng hợp tác giết người, cướp của, bóc lột dân lành, mánh mung, trả thù, bớt xén của công, chạy chọt để thoát sự trừng trị của pháp luật…

Trừ tất cả những bữa tiệc ấy, những bữa cơm, dù toàn những thức ăn sang giàu, hay chỉ đạm bạc, đơn giản vài trái cà gém, một chút mắm tôm của những gia đình nghèo, vẫn không bao giờ mất đi tính thiêng liêng và vẻ đẹp của nó. Nó cần nhận được sự tôn trọng của mọi người như: tránh gây gỗ, cãi vã, hiềm khích, đánh đập nhau...

Câu nói nổi tiếng của ông bà từ ngàn xưa để lại cho con cháu: “Trời đánh tránh bữa ăn”, là câu nói hữu ích, có sức giáo dục lòng tôn trọng sự thiêng liêng và vẻ đẹp của bữa cơm. Những bữa cơm giàu tình yêu, nồng ấm tình gia đình, tràn ngập sự thành thực…, dù là những bữa cơm sang giàu hay đạm bạc đều là những bữa cơm quý phái, cần thiết cho cuộc đời.

Chúa Kitô nhiều lần sử dụng bữa cơm để mạc khải nhiều chân lý quý giá cho Hội Thánh. Càng suy nghĩ, ta càng nhận thấy, Chúa Kitô thật là một nhà giáo dục tài ba. Vì có lúc nào tình yêu đằm thắm, lòng người tin tưởng nhau, và là nơi trổ sinh niềm vui cho bằng bữa cơm!

Chúa dùng khung cảnh tốt đẹp của bữa cơm để nâng hôn nhân lên hàng bí tích tại tiệc cưới Cana. Chúa đã đến và dùng bữa trong nhà cô Maria, một phụ nữ tội lỗi, để tha tội cho chị, khi chị gục đầu khóc bên chân Chúa.

Và trong một bữa cơm, Chúa dạy người ta hãy ngồi vào chỗ rốt hết, vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Chúa đã ăn với các môn đệ trên biển hồ sau khi sống lại để bày tỏ mầu nhiệm phục sinh… Còn nhiều, nhiều nữa những bữa cơm mạc khải như thế.

Liên quan tới bí tích Thánh Thể, Thánh Kinh cho thấy nhiều bữa ăn mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân trong thời gian Chúa giảng dạy.

Đặc biệt, chính trong bữa ăn cuối cùng trước khi rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu chính thức thành lập bí tích Mình Máu Thánh qua lời truyền phép mà thánh Phaolô nhắc lại trong trong bài đọc I: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và: “Chén này là Tân Ước trong Máu Thầy. Mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 24-26).

Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa, Hội Thánh mời gọi ta suy niệm một trong ba bữa ăn ấy. Đó chính là lần Chúa làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con.

Chúa không làm phép lạ chỉ như một phép lạ mà thôi, càng không bao giờ làm phép lạ để khoe mẽ tài năng của mình. Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, gọi về một phép lạ khác lớn lao hơn. Đó là phép lạ hóa nên Mình Máu của chính Chúa Kitô để nuôi dưỡng linh hồn con người, không phải năm ngàn hay mười ngàn, nhưng là lớp lớp người từ đời này sang đời khác.

Hóa ra phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều là để hướng lòng ta về chính Bánh là của ăn muôn đời trường tồn, là Bánh bất tử đưa ta vào sự sống nhiệm mầu và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bánh ấy chính là Thịt Máu Chúa Kitô.

Bữa ăn Thánh Thể do Thiên Chúa dọn cho chúng ta là một cuộc hạ sinh mới trong lòng người. Nếu đã có lần Chúa Giêsu sinh ra trong trần gian một cách thể lý, thì cuộc sinh hạ của Chúa trong lòng người ta là một cuộc sinh hạ không ngơi nghỉ.

Mỗi khi ta rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mình, là mỗi lần Chúa chấp nhận giáng sinh lại trong lòng ta. Chúa chấp nhận hạ sinh lại không vì lợi ích cho riêng mình, nhưng cho chính chúng ta. Vì các của ăn phàm trần, khi ăn vào, sẽ biến thành máu thịt ta, nhưng ăn Máu Thịt Chúa Giêsu, ta được “Thiên Chúa hóa” (ngôn ngữ chuyên môn của thần học gọi là “thần hóa”), nghĩa là trở nên giống Chúa hơn.

Ngài sẽ ban cho ta sức mạnh của lòng tin, của tình mến để ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, vững vàng trước mọi cám dỗ, không sa ngã và bảo vệ đức tin của mình thành toàn. Tắt một lời, Chúa Giêsu hạ sinh trong lòng ta qua bí tích Thánh Thể để ta ngày một nên thánh thiện như Chúa.

Trên mọi bữa ăn, Thánh Thể là bữa ăn của hiệp thông trong tình yêu. Cuộc hiệp thông trong tình yêu này là cuộc hiệp thông lớn lao đến mức tuyệt vời: Thiên Chúa tìm đến viếng thăm tâm hồn người thế, từ đó, con người được diễm phúc đón nhận chính Thiên Chúa vô cùng cao cả ấy.

Cuộc hiệp thông ấy vừa lớn lao, vừa lạ lùng: siêu nhiên đến với tự nhiên, Thánh ở với người, cái vô cùng ở cùng cái hữu hạn.

Một cuộc hiệp thông lớn đến thế, chỉ có thể thực hiện bởi tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài tình yêu ấy, không còn một sự hiệp thông nào sánh ví.

Cuộc hiệp thông cao cả như vậy, mang lại giá trị cho con người. Bởi Thiên Chúa đã không trao ban bất cứ một cái gì ngoài bản thân Ngài, nhưng là trao ban chính Con Một của mình cũng là Thiên Chúa của chúng ta.

Nơi cuộc hiệp thông được thực hiện trong tình yêu của Chúa, chúng ta kín múc nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối.
Có ai ngờ, nơi bí tích Thánh Thể, loài người bé nhỏ là thế, lại được gần Thiên Chúa đến nỗi nên một trong nhau. Do đó, loài người không còn chỉ là thụ tạo đơn thuần, nhưng là thụ tạo mang chiều kích vĩnh cửu.

Lãnh nhận tình yêu hiệp thông nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông với anh chị em của mình.
Kinh Tạ Ơn II nói lên điều đó: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần".

Hoặc kinh Tạ Ơn III: “Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.

Lời cầu xin ơn hiệp thông khi cử hành Thánh Thể phải được cả cộng đoàn sống và áp dụng trên từng cá nhân.

Chính vì điều này, chúng ta có thể nói, để đánh giá sức sống của một cộng đoàn Thánh Thể, tiêu chuẩn đúng nhất là sự hiệp thông mà cộng đoàn đó thể biểu lộ.

Một cộng đoàn chia rẽ không thể nói về “một thánh lễ sốt sắng”. Cũng như mỗi thành viên trong gia đình mà chia rẻ, rạn nứt, gia đình đó, dù chuyên chăm tham dự thánh lễ, lãnh bí tích Thánh Thể đến đâu, vẫn là gia đình đánh mất ơn hiệp thông, lẽ ra phải có, nhờ Thánh Thể Chúa Kitô.

Chúng ta có những bữa cơm hằng ngày, có khi đạm bạc, có khi sang trọng. Những bữa cơm ấy là nơi gặp gỡ và nuôi dưỡng tình gia đình, tình bạn, tình lối xóm, và biết bao nhiêu thứ tình cần thiết trong cuộc sống.

Trong chiều kích thánh thiêng của tâm hồn, chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, để múc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó sống với anh chị em quanh mình.

Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể không đơn thuần nuôi dưỡng tình con người, nhưng đi một bước cao hơn: thánh hóa và vĩnh cửu hóa mọi tình yêu nhân loại. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể còn thần hóa những người yêu nhau và biến họ nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô.

Vì thế, mỗi lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn và tôi xin hãy cầu xin Chúa ban cho mình được chìm ngập trong tình yêu của Chúa, để nên một với Thiên Chúa và với anh chị em.