7. TẦN THỊ THÍCH ĐỒ CỔ

Triều đại nhà Tần có một thư sinh thích đồ cổ đến nghiện, dù cho cổ vật cao quý có giá đắc bao nhiêu thì cũng đều mua đem về bỏ trong kho.

Một hôm, có người đem một mảnh chiếu rách đến nhà, khoe khoang nói:

- “Năm nọ Lỗ Ai công làm tiệc và chất vấn Khổng tử về chính sự, tôi lấy một mảnh chiếu năm xưa của Khổng tử đã ngồi qua”.

Tần thị bèn lấy miếng đất ruộng gần ngoại thành đổi lấy mảnh chiếu rách.

Qua mấy ngày sau, lại có người cầm cây gậy đến muốn bán cho ông ta, nói:

- “Đây là cây gậy của Thái Hoàng tổ phụ của Châu Văn vương dùng để tránh bọn mọi rợ xâm phạm, khi dẫn đầu dân chúng rời khỏi thì dùng làm cây gậy”.

Xét về niên đại, so với mảnh chiếu mà Khổng tử đã ngồi qua thì sớm hơn mấy trăm năm, Tần thị đem hết tất cả tiền bạc trong nhà xuất ra mua nó.

Mấy ngày sau, lại có người đưa đến cái bát vỡ nói với ông ta:

- “Ông đã được chiếu và gậy, cũng chưa gọi là cổ, xin nhìn cái bát này là thời Hạ Kiệt làm ra, so với thời Châu thì cổ rất nhiều”.

Tần thị cho rằng có được những cổ vật này là hiếm có nhất đời, thế là nhượng cả tòa nhà mình đang ở để mua cái bát ấy.

Có ba thứ “cổ vật” trong tay nhưng lại ăn mày tàn tạ. Ông ta khoác trên mình mảnh chiếu của Ai Công, chống gậy của Thái Hoàng, bưng cái bát vỡ thời Hạ Kiệt làm, men theo đường phố ăn xin, lại còn không ngớt kêu lên:

- “Liệt vị phụ lão đồng hương cung dưỡng cơm áo, ai có đồng tiền cổ cửu phủ của Khương Thái công, thưởng cho tôi một xu”.

(Sự lâm quảng ký)

Suy tư 7:

Có những người chơi đồ cổ rất giàu có vì họ biết lợi dụng thời cơ để đồ cổ biến thành giá trị to lớn, có người chơi đồ cổ nhưng lại nghèo đến nỗi phải đi xin ăn, bởi vì họ chơi đồ cổ theo kiểu trưởng giả học làm sang, không hiểu biết tận tường giá trị từng món đồ cổ, vung tiền mua lầm đồ cổ giả.

Không một “đồ cổ” nào được ưa chuộng như thánh lễ Mi-sa, dù nó “cổ” hơn hai ngàn năm tuổi, nhưng nó vẫn cứ mới và hợp thời từng thời đại, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã lập ra; không có “đồ cổ” nào sáng giá cho bằng sách Thánh Kinh, vì nó vẫn luôn mới và là sự thao thức khát khao của nhân loại qua mọi thời đại, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là tác giả; không một “đồ cổ” nào mà làm cho các nhà nghệ thuật say mê sáng tạo, cũng như được người của mọi thời đại yêu mến là Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su, bởi vì nó là nơi Con Thiên Chúa chịu đóng đinh để cứu chuộc nhân loại.

Đó là ba “cổ vật thánh” đệ nhất chi bảo mà người Ki-tô hữu nào cũng có, vậy mà có một vài người Ki-tô hữu nghèo ân sủng đến nỗi phải đi “xin ăn” nơi ma quỷ để được bổng lộc thế gian, vui thú thế gian, danh dự thế gian.

Yêu mến thánh lễ, yêu thích Thánh kinh và yêu mến Thánh Giá nhưng trở thành người nguy hiểm cho Giáo Hội, là vì họ lấy lòng kiêu ngạo và trí tự cao tự đại của mình để thẩm định “giá trị” của ba “cổ vật thánh” ấy, mà đúng ra chúng nó là vô giá, vì của Trời chứ không phải của đất.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info