13. RƠI XUỐNG NÚI, RỚT XUỐNG NƯỚC

Có một thầy giáo ít học, có khách từ kinh thành trở về và đến học quán thăm ông ta.

Có một học sinh cầm sách đến hỏi chữ “tấn晉”, thầy giáo cũng không biết, nhưng vì sĩ diện nên thoái thác đợi khách đi đã thì đến hỏi lại, lại còn cầm bút màu đỏ vẽ một dấu hiệu bên cạnh chữ “tấn”.

Một lúc sau, lại có một học sinh khác đến hỏi chữ “vệ衛”, thầy giáo lại dùng bút đỏ khoanh tròn chữ “vệ”, lấy lý do như trên để thoái thác. Học sinh này mới đi khỏi thì học sinh thứ ba đến hỏi chữ “lạc” (1) trong câu “nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy”, ông thầy giáo này thuận miệng nói:

- “Đọc thành “rơi” thì tiện hơn”.

Học sinh vừa đi thì thầy giáo hỏi khách:

- “Kinh thành có tin tức gì không?”

Khách nói:

- “Có ạ ! Khi tôi ra khỏi kinh thành thì thấy Tấn Văn công bị đâm một thương, Vệ Linh công bị Hồng Cân vây khốn”.

Thầy giáo ấy vội vàng hỏi:

- “Không biết các bộ hạ của hai vị này như thế nào?”

Khách cười nói:

- “Rơi xuống nước rớt xuống núi, rơi xuống núi rớt xuống nước”.

(Giải Uẩn Thiên)

Suy tư 13:

Thầy giáo thời xưa (bên Tàu) nếu không biết Tống Văn công và Vệ Linh Công, thì giống như thầy giáo ngày nay không biết Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Toản là ai, bởi vì thầy giáo ấy không học hành gì cả; thầy giáo ngày xưa không phân biệt chữ “lạc (樂) là vui” và chữ “lạc (落) là rơi là rớt”, thì giống như thầy giáo ngày nay không phân biệt được game online và...trò chơi điện tử, bởi vì thầy giáo quá dốt về vi tính.

Cũng có một vài người Ki-tô hữu thời nay không biết thánh bổn mạng mình là ai và mừng lễ ngày nào, bởi vì đời sống thiêng liêng của họ quá lạnh nhạt, họ chỉ nhớ ngày sinh nhật, ngày hôn phối, ngày làm quan của mình, và nhớ rất rõ ngày sinh nhật của ông to bà lớn đã giúp đỡ mình, nhưng lại không biết vị thánh bổn mạng đang ngày đêm cầu bàu cho mình trước tòa Thiên Chúa là vị thánh nào cả, thật quá tội nghiệp cho họ và cho vị thánh quan thầy của họ.

Giáo Hội biết rất rõ con người vốn yếu đuối dễ dàng sa ngã trong những chước cám dỗ của ma quỷ và thế gian, cho nên lấy tất cả tình thương yêu của người mẹ hiền, Giáo Hội bắt buộc chúng ta phải có một vị thánh bổn mạng khi chúng ta đón nhận bí tích Rửa Tội và lãnh nhận bí tích Thêm Sức, để vị thánh ấy trở thành mẫu gương sống đạo cho chúng ta.

Đường về quê trời còn nhiều chông gai và thử thách, nhờ lời cầu bàu của thánh bổn mạng của mình, thì chúng ta sẽ không bị “rơi xuống núi rớt xuống nước” của cám dỗ.

(1) 樂 phát âm là “le” hoặc “luo落” nghĩa là vui và ngã; 落 phát âm là “luo” nghĩa là ngã, rơi, rớt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info