TRÊN NỀN CỦA KẺ YẾU ĐUỐI
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Hội Thánh bắt đầu khi nào? Công đồng Vaticanô II không trả lời bằng việc ôn lại những sự kiện mà Chúa Giêsu từng thực hiện hay phán dạy ở Giêrusalem hay Galilê. Công Đồng trình bày cả một viễn tượng vĩ đại về lịch sử nhân loại khởi đi từ trái tim và tình yêu thương của Chúa Cha (GLHTCG số 758).

Hội Thánh đã phôi thai từ trong kế hoạch đời đời khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ (GLHTCG số 760). Vũ trụ và con người không hiện diện cách tình cờ, may rủi, nhưng nó đã được Thiên Chúa ấn định. Nó là sự mong muốn, là niềm hy vọng của Thiên Chúa, là chính gia đình của Thiên Chúa.

Vì tội lỗi hủy hoại sự hiệp thông này và gieo rắc bất hòa, thù hận, chết chóc, nên Thiên Chúa đã và vẫn quy tụ gia đình của Ngài (GLHTCG số 761) khởi đi từ Abraham rồi dân Israel, qua đó mọi dân được chúc phúc và quy tụ lại (số 762). Kể từ đó, Cựu Ước như "tiền sử" của Hội Thánh.

1. HỘI THÁNH CHÍNH THỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP.

Với Chúa Giêsu, Hội Thánh chính thức khởi đầu. Chính Chúa là Đầu, là Thủ Lãnh, là Chủ của Hội Thánh. Chúa chính là Đấng làm cho Hội Thánh được sống, được trưởng thành, dược tồn tại và tiến vào vĩnh cửu. Chính Chúa là nền tảng vinh quang của Hội Thánh.

Từ khi Chúa Giêsu đến trần gian, Hội Thánh từ đời đời trong thánh ý Thiên Chúa, chính thức được khởi đầu và hình thành, được hiện diện, được vận hành và được cứu độ.

Với cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa, từ "Hội Thánh" xuất hiện lần đầu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu chương 16 (tức trong chính bài Tin Mừng Chúa nhật XXI thường niên hôm nay), khi Chúa trao quyền lãnh đạo, quyền tháo cởi và cầm buộc cho thánh Phêrô: "Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 16, 18).

Kể từ đó, cùng với việc đặt thánh Phêrô làm đá gốc, làm nền tảng Hội Thánh, Chúa Giêsu chính thức tuyên bố thiết lập Hội Thánh. Đá tảng Phêrô lấy ra từ Đá Gốc là chính Chúa. Đá tảng Phêrô chỉ có thể có sức mạnh khi dựa vào Đá Gốc. Đá tảng Phêrô chỉ có thể vững vàng và trường tồn khi gắn chặt vào Đá Gốc. Đá tảng Phêrô chỉ có thể thi hành sứ mạng của mình, mang ơn cứu độ, mang nguồn sống đích thực khi khi đặt nền trên Đá Gốc.

Lạ lùng thay, nhìn lại chính mình, ta chỉ thấy trước sau gì cũng chỉ là bất toàn. Hội Thánh mà Chúa Kitô thành lập chỉ toàn những con người mỏng giòn. Mọi con người mỏng giòn ấy lại đặt trên nền tảng đầy yếu đuối, đầy đổ vỡ. Nền tảng Phêrô vô cùng yếu đuối, vô cùng mong manh.

2. HỘI THÁNH CỦA NHỮNG CON NGƯỜI.

Hội Thánh là chính chúng ta. Mỗi tín hữu là một chi thể của Hội Thánh. Bởi đó, mỗi tín hữu làm thành cộng đoàn Hội Thánh, một thân thể duy nhất hiệp thông với Đầu duy nhất là Chúa Giêsu.

Cùng với Chúa của mình, chúng ta mang trọng trách là cánh tay của Chúa, là bước chân của Chúa làm cho Tin Mừng cứu độ lan xa trên mọi ngỏ ngách của thế giới. Chính chúng ta là chứng nhân của Chúa. Chính chúng ta là thành phần không thể thiếu mà Chúa Giêsu cần đến để đến với thế giới, đến với mọi anh em loài người khắp cùng thế giới.

Dù vinh dự là thế, sứ mạng lớn lao là thế, ơn gọi cao cả là thế, nhưng xét lại chính mình, trước sau gì chúng ta cũng chỉ thấy bản thân vô cùng yếu đuối, đã vô vàn lần đổ nhào, vô vàn lần sa ngã, vô vàn lần đáng chết trong tội.

Chúa biết rõ nỗi chết chóc đớn đau hoành hành trong từng chi thể, vì thế, Chúa tiên liệu cho ơn tha thứ của Chúa: "Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Quyền cầm buộc và tháo cởi cũng được Chúa Giêsu nhắc lại:
- Sau khi dạy chúng ta sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ, Chúa nói: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, các con cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất các con tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mt 18, 18).
- Khi sống lại, sau khi ban ơn Thánh Thần, Chúa ngỏ với tông đồ đoàn: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 23).

Có sự thay đổi trong các lần trao quyền cầm buộc và tháo cởi. Lần thứ I, Chúa chỉ nói với một mình thánh Phêrô. Lần II, Chúa nói chung với đoàn môn đệ và gọi họ là "các con". Lần III, Chúa vừa gọi "các con", vừa nói rõ quyền cầm buộc hay tháo cởi là quyền "tha tội".

Quyền cầm buộc và tháo cởi không chỉ được hiểu như những hình phạt chế tài, mà còn khẳng định về tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Chúa muốn Hội Thánh bền vững đến muôn đời, và muốn từng người trong chúng ta không hư mất, nhưng luôn sống trong hạnh phúc dù ở đời này hay đời sau. Dù chúng ta có tội lỗi đến đâu, có hư đốn đến đâu, thì chính nơi quyền cầm buộc và tháo cởi, chúng ta vẫn luôn tồn tại trong Chúa.

Mỗi người tín hữu hãy cảm nhận tình thương ấy, và là chứng nhân đem tình thương đến cho mọi người. Trong khi đến với muôn dân, hiểu rõ bản thân mỏng giòn, yếu đuối, ta cần khiêm nhường, cần sống tình yêu thông cảm với mọi người, nhất là với các tội nhân.

Ý thức Hội Thánh là của Chúa và bản thân lệ thuộc vào Chúa, ta phải hoàn toàn tin tưởng, tín thác mình, tín thác mọi hành động dấn thân của mình và của cả Hội Thánh cho Chúa.

Hãy luôn cầu nguyện xin ơn Chúa hướng dẫn, xin được hiểu thấu thánh ý Chúa. Tuyệt đối không bao giờ cậy sức riêng, nhưng phải trông cậy vào sức Chúa, luôn tìm sự đỡ nâng trong ơn Chúa Thánh Thần.

3. HỘI THÁNH ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG YẾU ĐUỐI.

Kẻ thực thi quyền nắm giữ chìa khóa nước trời cũng lại là kẻ mang phận người đầy yếu đuối, thậm chí lỗi lầm. Thánh Phêrô chỉ là con người tầm thường. Cuộc đời của tảng đá ấy nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ, nhiều quỵ ngã hơn vững vàng.
Thánh nhân đã từng chìm giữa dòng vì nghi nan, vì phút giây yếu lòng tin. Thánh nhân đã từng sợ hãi buông lời cầu cứu nhưng hàm chứa trách móc thì nhiều, cầu cứu thì ít: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao?" (Mc 4,35-41). Đã nhiều những lần thức suốt đêm chống chèo, đánh bắt giữa biển khơi, để rồi chỉ trắng ta vào buổi sớm hôm sau.

Trước giờ Thầy chịu nhục hình, đá tảng ấy không gượng nổi cơn mê ngủ, trong khi lẽ ra phải canh thức cùng Thầy. Tệ hại nhất là đã to miệng chối Thầy ba lần trong khung thời gian quan trọng nhất cuộc đời dương thế của Thầy, cũng là thời gian cần nhất sự xác tín lòng trung thành của bản thân dành cho Thầy.

Những yếu đuối và đổ vỡ của thánh Phêrô thường diễn ra trong đêm. Chính trong bóng đêm: thánh Phêrô không bắt được gì; thánh Phêrô chìm xuống nước; thánh Phêrô ngủ mê man trong vườn Dầu; thánh Phêrô chối Thầy đến ba lần.

Đêm tối cũng là tình trạng mà Hội Thánh cũng như mỗi chúng ta phải đối diện khi sống trong đời. Ngày nào Hội Thánh còn lữ hành, và chúng ta còn tiếp tục đi đường, ngày ấy cả Hội Thánh và từng người còn phải lần mò đi trong đêm tối của thế giới nhiều cám dỗ, nhiều thử thách. Chúng ta tiến về cùng Thiên Chúa nhưng không tách rời cuộc đời, nên cuộc đời đã bao phen nổi giông bão như muốn nhấn chìm Hội Thánh, như muốn nuốt trửng chúng ta.

Hãy nhìn thấnh Phêrô để chúng ta vượt qua và chiến thắng. Bởi nếu thánh Phêrô có yếu đuối, thì nhờ trung thành với Chúa Kitô, cuối cùng thánh nhân cũng đã chiến thắng. Thánh nhân đã dâng chính máu đào của mình để vinh danh Thầy Chí Thánh.

Nơi thánh Phêrô, Chúa dùng người yếu đuối để quy tụ những con người yếu đuối. Thánh Phêrô yếu đuối và chúng ta càng yếu đuối. Trong tất cả những yếu đuối ấy, cho thấy sức mạnh vô cùng lớn lao của tình yêu mà Chúa dành cho.

Thánh Phêrô yếu đuối, nhưng Chúa chưa từng truất phế thánh nhân. Thánh Phêrô, dẫu yếu đuối, vẫn đi hết hành trình ơn gọi của mình. Chúa vẫn tiếp tục ban ơn, dõi theo và gìn giữ thánh nhân. Chúa vẫn tiếp tục bảo bọc cuộc đời và sứ mạng của thánh nhân đến hoàn thành tốt nhất cuộc đời và sứ mạng ấy.

Cũng vậy, chúng ta đầy sa ngã, đầy tội lỗi, nhưng Chúa vẫn mãi chịu đựng chúng ta. Chúa vẫn không ngừng đi tìm chúng ta. Chúa không ngừng vác chúng ta lên vai mà mang về. Chúa làm cho chúng ta sống, trong khi chúng ta tự mình tìm đến cõi chết. Chúa kiên nhẫn mở lối cho ta đi về miền hy vọng, đi về lối có ánh sáng của ơn cứu độ, đi về phía hừng đông không ngừng dọi chiếu.

Vì thế, hãy cảm tạ Chúa, cảm tạ luôn luôn tình yêu vô bờ bến mà Chúa dành cho. Chỉ có Chúa là Đấng từ nhân. Chỉ có Chúa là Đấng luôn chờ đợi. Chỉ có Chúa là Đấng không ngừng cúi xuống. Chỉ có Chúa là Đấng ngàn đời trung thành và không bao giờ mỏi mệt trong tình yêu.

Được sống trong lòng Hội Thánh, được làm con của Đấng Hằng Sống, được làm mô đệ của Đấng Cứu Chuộc là niềm hạnh phúc, là vinh dự, là tất cả sức mạnh của sự vượt thắng trong mọi cuộc chiến đi về hứa địa của ánh sáng, của vương quốc ngập tràn yêu thương.