Gánh nặng truyền thống
Đối với Kitô hữu, những người đồng đạo của họ có một ký ức tai hại đối với lịch sử lâu dài của họ, một ký ức tốt hơn ký ức của chính họ, người, hôm nay, tốt hơn nên bắt đầu lại và trở nên hiện đại giữa những người hiện đại. Những người khác rất ít hoặc không cần phải tạo gánh nặng cho bản thân mình bằng truyền thống. Họ nói rằng người chết có trách nhiệm của họ; chúng ta có trách nhiệm của chúng ta. Những gì họ đã làm với trách nhiệm của họ không làm chúng ta bận tâm. Ngay người Thệ Phản cũng cảm thấy ít bị đè nặng bởi mười lăm thế kỷ đầu của Kitô giáo. Họ nói Videant consules (Hãy để các quan nhiếp chính tối cao [nghĩa là, các vị giáo hoàng] nhìn thấy). Tuy nhiên, đối với người Công Giáo, không được động đến lịch sử này. Nguyên tắc Công Giáo của họ về truyền thống, bất luận được hiểu ra sao, đều ngăn cấm một hành động như vậy. Cũng một Giáo Hội mà họ phục tùng đã từng làm, hoặc được phép làm, những điều mà ngày nay không còn có thể biện minh được nữa. Người ta có thể viết điều này xuống vì sự tiến hóa của nhận thức con người, nhưng quả có rất nhiều vướng mắc giữa trần thế và tâm linh! Bản thân Kitô hữu cũng bị mắc kẹt trong cùng một truyền thống này và phải gánh lấy phần trách nhiệm của họ, bất chấp họ có thích hay không. Khi làm như vậy, có lẽ cách đơn giản nhất không những là thú nhận toàn bộ tội lỗi ngay lập tức, mà vì nỗi đau bi thảm của nó, còn phải làm thế, như Reinhold Schneider làm, bằng những hạn từ mạnh mẽ nhất có thể. Những gì có vẻ được phép, và thậm chí cần thiết, dưới thời các giáo hoàng của thời Trung cổ, giờ đây dường như đối với chúng ta, nếu chúng ta đối đầu thẳng thắn với thông điệp Tin Mừng chưa bị đánh bóng và lương tâm hiện tại của chúng ta, là điều hoàn toàn không thể tha thứ và thậm chí là tội lỗi nghiêm trọng nữa. Hoặc ít nhất là một điều gì đó rõ ràng đi ngược lại tinh thần và điều răn của Chúa Giêsu Kitô. Các vụ rửa tội cưỡng bức, các phiên xử tà giáo, và autos-da-fé (*); Vụ Thảm sát Ngày Lễ Thánh Báctôlômêô (**), cuộc chinh phục các lục địa xa xôi bằng lửa và gươm, với mục đích đem tôn giáo của Thập giá và của tình yêu vào đó, nhưng việc này được thực hiện cùng một lúc với và trong bối cảnh bóc lột tàn bạo; sự can thiệp không được yêu cầu và đầy ngu xuẩn vào các vấn đề của khoa học tự nhiên đầy tiến bộ; những lời lên án và cấm đoán bằng thẩm quyền thiêng liêng hành động như một thẩm quyền chính trị và mong muốn được công nhận như vậy, danh sách những điều xấu hổ như vậy quả là bất tận. Không có gì vui khi phải trả lẽ cho một di sản như vậy, di sản mà chúng ta có thể thấy rõ những sai sót trắng trợn của nó.
Nhưng dù quả nhục nhã, có lẽ sẽ tốt hơn, khi chỗ nào không thể bảo vệ được, ta không nên ném thêm đá nữa. Người ta chỉ cần thừa nhận rằng trong Chúa Kitô, một đòi hỏi quyền tối thượng tuyệt đối cho Thiên Chúa đã được loan báo cho con người, một đòi hỏi vượt xa cả việc Giavê đòi hỏi quyền tối thượng tuyệt đối của Người đối với dân tộc Cựu Ước; và, bất kể thế nào đi chăng nữa, một điều gì đó thuộc việc đòi hỏi tuyệt đối này đối với con người đã được đưa vào quyết định không thể thay đổi của các tông đồ, của Giáo hội, và việc thi hành thẩm quyền này của những con người tội lỗi hoặc thiển cận có thể gây ra những tác hại khôn lường mà nếu ngược lại thì đã không xảy ra. Mối dây liên đới giữa Kitô hữu ngày nay và những người đã chết buộc họ phải đền tội cho những lỗi lầm quá khứ - điều mà họ nên có khả năng gánh chịu, không hẳn là không sẵn lòng, nhưng một cách kiên nhẫn và thậm chí, trong một phần bí mật của bản thân, với lòng biết ơn - vì ai mà biết họ sẽ xử sự ra sao nếu được mang trồng vào thế kỷ thứ chín hoặc mười bốn? Những người chịu gánh nặng cay đắng này có thể rút tỉa được một chút an ủi không những nhờ việc suy nghĩ rằng những điều xấu thường bám vào ký ức nhiều hơn điều tốt, mà còn nhờ việc suy nghĩ rằng điều tốt của Kitô giáo một là hoàn toàn không hề hoặc chỉ hiển thị rất gián tiếp đối với thế giới.
Vì ai có thể tính toán và cân đo được rất nhiều hành vi tự chủ giấu kín nhờ đó điều ác đã được ngăn chặn, ai có thể tính toán và cân đo được các hành vi đền bù quên mình và ân cần yêu thương, hay ai có thể tính toán và cân đo được sức mạnh của những lời cầu nguyện nhiệt thành thầm kín? Ai ngoài Thiên Chúa biết kinh nghiệm của các vị thánh đã trải qua thiên đường địa ngục và là những người, từ những nơi giấu kín nhất, đã thay đổi toàn bộ diễn tiến lịch sử, di chuyển cả núi tội lỗi và mở đường thông qua các tình huống vô vọng? Hãy để những điều này được ghi nhận ở đây, một cách lướt qua và nhỏ tiếng (sotto voce) thôi, để nhắc nhở chúng ta rằng trong việc tính sổ Giáo Hội, người ta không thể chỉ ghi mặt tiêu cực mà không kể chi tới những điểm tích cực này. Gánh nặng cay đắng này cũng có thể đè nặng lên Giáo hội ngày nay, một Giáo Hội chắc chắn đang thử nghiệm nhiều điều để giải thoát mình khỏi những mối ràng buộc không cần thiết, nhưng cũng là một Giáo Hội, xét chung, chỉ có thể từ từ nhận ra điều các cá nhân bên trong và bên ngoài Giáo hội đã nhìn thấy từ lâu. Và trong khi có thể phá bỏ tương đối nhanh các cơ cấu đã trở thành nghi vấn, điều này không có nghĩa các khía cạnh thay thế, có tính tích cực, mang tính xây dựng sẽ được nhìn thấy, tìm kiếm, mạo hiểm và đạt được. Chúng ta đừng lùi bước trước việc nêu rõ các vấn đề đáng nghi ngờ nhất, trong đó có vấn đề cùng một lúc bắt nguồn sâu xa nhất, một quyết định được đưa ra rất sớm, với những hậu quả không thể lường trước - chắc chắn có thể bênh vực được, nhưng không phải là giải pháp khả thể duy nhất, vì lợi thế Kitô giáo của các giải pháp thay thế cũng sẽ không thể tranh luận, giả thiết người ta phải chuẩn bị sẵn sàng để chấp những hy sinh và mất mát nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng nhất. Tôi muốn nói đến phép rửa trẻ sơ sinh. Việc đánh phủ đầu một quyết định đáng tự hào, một lần trong đời vốn dành cho Thiên Chúa thay cho một người vẫn còn trong tình trạng chưa có nhận thức; khi biết sử dụng lý trí và khả năng biết lựa chọn, chỉ để thấy mình đối diện với một sự kiện đã hoàn tất mà mình chỉ còn biết một là phê chuẩn hai là không phê chuẩn mà thôi - đây quả là một vấn đề! Và, ngày nay, thực sự còn là một vấn đề hơn nữa, khi các truyền thống nổi tiếng, khi các tạp chất (embedding) xã hội học trong một Kitô giáo được chấp nhận rộng rãi, đang bị suy giảm hoặc, trong nhiều trường hợp thực sự đã hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, ngay cả những điều như thế này ta cũng phải chịu đựng.
Những hình ảnh lúc chạng vạng
Đối với người không tin Thiên Chúa, các từ ngữ của nền văn hóa Kitô giáo không nói lên điều gì hoặc cùng lắm chỉ nói về Thiên Chúa cách yếu ớt, không ai nghe thấy. Thế giới phương Tây quan niệm và xây dựng các công trình đẹp nhất của mình dựa trên tinh thần tôn giáo. Điều này cũng đúng đối với cả những tác phẩm cổ điển cổ thời, tất cả đều được chuyên biệt tạo ra vì sự tôn kính đối với thần thánh, lẫn mọi sáng tạo ban đầu của thời Kitô giáo. Liệu có bất cứ tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời và hợp lệ nào có thể phát khởi từ vô tôn giáo hay không vẫn là điều chưa được chứng minh. Goethe nói với Riemer, “Người ta chỉ phong phú trong thi ca và nghệ thuật chừng nào họ vẫn còn là người có tôn giáo; lúc đó họ đơn giản trở thành người bắt chước và lặp đi lặp lại, cũng giống như chúng ta trong tương quan với thời đại cổ xưa, mà các đền đài của họ thẩy đều là những tuyên bố đức tin và được chúng ta bắt chước do cảm thức tưởng tượng và một cách viễn mơ”. Vở Iphigenia của Euripides là bi kịch về sự tuân phục gần như điên rồ đối với các vị thần; Bản dịch của Schiller chỉ đơn giản cắt bỏ thẳng thừng kết luận thần học và gốc rễ của nó, trong khi việc Goethe tái dựng chủ đề này không giữ lại gì khác hơn là những việc làm tỉnh táo của một nhân tính có hiểu biết cao.
Nếu chúng ta hỏi những công trình kiến trúc, thi ca, âm nhạc của Kitô giáo, được thiết kế cho Thiên Chúa, tìm cách nói về Thiên Chúa, thực sự có ý nghĩa gì đối với người quan sát, người đọc, người nghe ngày nay, thì câu trả lời là: dù thế nào cũng không phải là những gì chúng thực sự tìm cách nói lên. Họ nói “Tôi nghe thấy sứ điệp”. Không, họ không nghe thấy sứ điệp ấy; họ chỉ ghi lại nó, ghi nhanh nó. Kitô hữu có thể đối diện với cảm thức khá chán nản ở đây, khiến họ đặt câu hỏi về những giá trị diễn đạt lịch sử và khiến họ ở khắp nơi nghi ngờ về một ý thức hệ. Có phải thẩy đều là một sai lầm? Há giờ đây, lỗi lầm này không bao quanh chúng ta như một nỗi xấu hổ lớn lao đó sao? Vì một vương cung thánh đường Rôma thanh lịch có liên quan gì đến Kitô giáo? Nó chỉ là một căn chợ phàm tục, hầu như không có gì thay đổi. Và nhà thờ lâu đài kiểu Rôma kiên cố có liên quan gì đến tính không phòng ngự của Chúa Giêsu? Hay việc Faust gây gió bão trên thiên đường trong kiến trúc Gothic có liên quan gì tới Người, Đấng "hiền lành và khiêm nhường" trong lòng và gần gũi với chúng ta ở đây trên trái đất này? Và, bước qua thời kỳ Phục hưng trong im lặng khó xử, những vinh quang của kiến trúc baroque có liên quan gì tới Thập giá trần trụi? Có nhiều người khá hài lòng khi tiếng nói của Thế Giới Kitô Giáo [Christendom] im bặt kể từ đó; họ nói, không có gì tốt hơn thế. Kitô hữu xấu hổ về quá khứ của mình khi họ khảo sát nó qua con mắt của “con người hiện đại”....
Nhưng Kitô hữu không nên xấu hổ. Họ phải có khả năng phân biệt giữa đức tin và các hình thức phát biểu nó. Đức tin có thể là vô hạn, nếu nó biết yêu thương; các công trình là hữu hạn. Đức tin có thể vượt thời gian, nhưng các công trình thì có thời hạn. Và các công trình luôn chứa đựng trong chúng một lời kêu gọi và một yêu cầu tha thiết phải có nhiều đức tin hơn. Ngay cái nhìn đắm đuối của một nữ thánh baroque cũng vẫn thách thức chúng ta: Bạn có bao giờ bỏ mình hoàn toàn cho Thiên Chúa đến nỗi Người có thể thu hút bạn như bà thánh ấy bị thu hút chưa? Bạn, người đứng đó và cười khẩy khi người ta nói tới sự hòa hợp, đã bao giờ bạn có được dù chỉ một nửa cái linh hồn trong đó sự thuần khiết của một khúc Palestrina hoặc một bản Haydn đã được phản ảnh chưa? Vì vậy, Kitô hữu thân mến, bạn đừng xử sự như một người không tin khuyển nho không còn nhìn thấy bất cứ điều gì nữa khi, dù sao, bạn cũng đã được ban cho đôi mắt đức tin. Đừng để bản thân bị choáng ngợp bởi những ý thức hệ xa lạ, không gốc rễ. Bạn hãy tìm trong mình quyền tự do để khẳng định khi bạn bị cám dỗ muốn bác bỏ. Hãy tự do, giữa niềm vui lâu dài và sự cởi mở đối với những khởi đầu mới. Chính vì bạn là Kitôn hữu và tự do, không cần bám víu vào bất cứ điều gì ở trần gian, bạn hãy chào đón sự tự do sáng tạo của những người anh em của bạn trong đức tin và, qua họ, của tất cả những linh hồn nhiệt thành và ngoan đạo, những linh hồn, giống như bạn, biết nhìn nhận Thiên Chúa của họ, biết nhìn nhận đấng thần linh. Đừng để người khác cho rằng Kitô giáo của quá khứ sống tách xa thế giới này. Vì do đâu khác mà nó có thể sở đắc được tình yêu như vậy đối với những điều bình thường, sở đăác được sự hiểu biết những quy luật bí mật nhất của chúng, vốn vượt xa tình yêu và sự hiểu biết của thế giới ngày nay? Hay bạn nghiêm túc tin rằng những công trình xây dựng trừu tượng tầm thường của nó có nội dung thực chất hơn, chân thực hơn với trái đất này và hòa hợp ăn ý với nó, cụ thể, hơn những sáng tạo của các Kitô hữu vĩ đại? Ai có thể được cho là biết thực tại bên trong của con người tốt hơn — Villon và Grimmelshausen hay những nhà báo khiêu dâm lạnh lùng ngày nay? Hãy để những điều này như thế, và đừng để bị lừa bởi những Kitô hữu nói với bạn rằng chỉ ở đây con người mới thực sự được khám phá, trong tất cả những “tội lỗi trang trọng” của họ và bị lột bỏ mọi cạm bẫy ngoại đạo và duy tâm của họ (2).
Nhưng hãy đơn giản cam chịu, cho dù lúc này không ai đeo chiếc kính đích thực giúp nhìn thấy sự việc. Thánh Phaolô nói: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả” (Pl 4:12). Kitô hữu phải có khả năng trải nghiệm cảnh hoàng hôn xung quanh mình mà mặt trời riêng của họ không lặn mất; họ có thể nghèo với anh em nghèo (thiêng liêng) của mình, nhưng họ không bác bỏ sự giàu có của mình, sự giầu có đã mang lại mọi sự giàu có mà người ta từng bán từng đánh mất chỉ vì một chén cháo đậu đỏ (***). Và chắc chắn những cảnh hoàng hôn cũng sẽ bao phủ họ, trong bóng tối, trong điều người ta có thể gọi là đêm đen thế giới và bóng tối Thiên Chúa. Họ bị cấm, do cảm thức cho là thiện cảm, tự để bản thân trở thành một phần của bóng tối này. “Anh em sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu rọi như ánh sáng cho trần gian” (Pl 2:15).
Giả định Trung bình và thiếu Phản tỉnh
Vậy phải chăng Kitô hữu phải tỏa sáng? Nhưng bằng cách nào? Bây giờ chúng ta quay lại câu hỏi đáng sợ mà chúng ta đã bắt đầu. Mọi người đều cảm thấy, dù sao, sự việc cũng không thể tiếp tục như hiện nay. Sẽ không như thế nữa. Mọi người đều có cơ hội nhìn thấy mình, nhìn thấy Giáo hội của mình, có lần qua đôi mắt của những người xa lạ, từ bên ngoài, có thể nói, như những người khác thường làm và khi làm như vậy, bắt đầu lên tiếng báo động, giống một người trong nhiều thập niên vốn băng qua dưới mặt tiền nhà thờ quen thuộc của mình để thờ phượng ở bên trong mà không hề nhận thấy có gì khác thường. Nhưng bây giờ, đột nhiên, một nhà sử học về kiến trúc chỉ cho họ thấy các nứt nẻ và đổ nát của nó như thế nào, với nhận xét cho rằng mọi sự sẽ buộc phải phá bỏ hoặc cải tạo hoàn toàn, từ trên xuống dưới. Và do đó, đôi mắt của họ được mở ra trước tình huống thực sự. Bây giờ họ cũng vậy, sợ rằng vòm nhà thờ có thể sụp đổ ngay trên đầu họ, nên đã thúc giục việc trùng tu nhanh nhất và toàn diện nhất có thể. Nỗi sợ hãi đã giúp sức mạnh cho họ và đem lại cho họ lòng “can đảm” để thực hiện một cuộc aggiornamento (cập nhât hóa) táo bạo. Và như người ta thường làm, trong thời đại hiểu biết bác học về thời cổ xưa, họ (cùng với các chuyên gia) đề nghị trước hết phải loại bỏ hết những thêm thắt baroque, vô số những thiên thần tí hon [putti], những vòng xoắn trang trí [curlicues], những đám mây như len bông gòn, những thứ dù gì cũng chỉ để thu thập bụi bặm và là những thành phần ít quan trọng hơn cả, vì chúng chỉ được tạo ra để gây ấn tượng; không còn phản ảnh thị hiếu hiện đại và bên cạnh đó, sẽ là phần tốn kém nhất của công việc trùng tu... và mọi lý do hoàn toàn đáng tin cậy khác, bất kể chúng có thể là gì. Như thế vui mừng xiết bao khi, dưới mọi thêm thắt hoành tráng ấy, giờ đây bị gỡ bỏ, xuất hiện một sự tỉnh táo đối với sự hoành tráng Roman tương ứng hơn nhiều với sở thích của chúng ta, và bên cạnh đó, chi phí bảo trì ít hơn rất nhiều! Đó là những niềm vui to lớn của việc trùng tu, khi, bằng cách phá bỏ, chúng ta có thể phơi bày tính cổ xưa nằm ở bên dưới, hết sức đẹp đẽ, thực thế, đến mức khiến chúng ta tin rằng bản thân chúng ta thực sự đang làm việc hữu hiệu và, bằng cách phá bỏ, chúng ta đang thực sự xây dựng!
Nhưng, để việc nói đùa sang một bên, há mọi công trình xây dựng theo ý hướng Kitô giáo đều không nhất thiết phải tiến hành dựa trên sức mạnh của việc cẩn trọng suy tư về nguồn gốc đó sao? Và khi làm như vậy, dù thụt lùi, đi ngang như cua, đi ngược dòng thời gian, người ta vẫn có cơ hội, như thể tình cờ mà thực sự được ân sủng xác nhận, để vượt qua ngã tư Phong Trào Cải Cách và, sử dụng cơ hội này, để phá bỏ các thêm thắt Phản cải cách sau đó và do đó đi đến một hòa giải và thỏa thuận ít ai hy vọng. Nếu Kitô hữu chúng ta ngày nay, trong đời sống tư riêng, không thực sự tin tưởng chính mình như thế, thì dù sao cũng nên tin tưởng vào thiên tài đặc biệt của một việc trở lại như vậy và, bằng cách đại lượng loại bỏ những hình thức của ngày hôm qua và ngày hôm nay, hy vọng sẽ đạt được những cơ cấu tốt hơn, thậm chí có lẽ là nền tảng của Tin Mừng không chừng.
Cứ để sự việc như vậy (và chúng ta sẽ suy tư về điểm này sau), nhưng đâu phải là chuyện nhỏ, khi chúng ta biết không hài lòng với những gì chúng ta có hiện nay, khi chúng ta phát hiện ra rằng những người khác có lẽ không hoàn toàn sai khi thấy chúng ta thiếu khả tín. Nếu, trong một thời gian, chúng ta chịu chiều theo sự lôi cuốn của các số liệu thống kê, hay đúng hơn, chịu chiều theo lời khuyên từ những số liệu thống kê vốn được các nhà chức trách giáo phận của chúng ta yêu quý ấy, thì bức tranh mới xuất hiện về một Kitô hữu trung bình sẽ không để điều gì hoàn toàn nhạt nhẽo đáng được ước ao. Ở bên lề, chúng ta có thể thấy những người coi trọng chứng chỉ rửa tội, chôn cất theo nghi thức Kitô giáo, và có lẽ cả Rước lễ lần đầu và Thêm sức cho con cái họ. Rồi, theo sau là đám đông lớn "những người dự Lễ Phục sinh", từ từ sẽ kết hợp để trở thành những người dự Thánh lễ Chúa nhật, trong số này, ngược lại, các màu sắc sáng hơn sẽ dần dần hòa trộn với nhau mà ta có thể ít nhiều nhận diện bằng các hạn từ như kiêng thịt thứ Sáu, báo chí Công Giáo, thuế Giáo hội, lòng trung thành với giáo hoàng. Đồng thời, và vượt quá khái niệm đã nhắc trên đây về một “người đàng hoàng” (như những người khác), số lượng của Mười Điều Răn ngày càng tăng lên, giống như những dấu hiệu cảnh báo nhấp nháy: điều thứ sáu, tất nhiên, được đẩy lên phía trước rất xa; rồi, chẳng hạn, đến điều thứ tư, điều thứ hai, điều thứ ba; trong khi điều thứ năm, điều thứ bảy và điều thứ tám không được coi là điều răn của Thiên Chúa mà là những điều mà một “người đàng hoàng” chỉ làm khi cần thiết. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường văn hóa. Ở một số vùng nông thôn, việc chăm chỉ đi nhà thờ có thể là một điểm vinh dự giống như việc cứng ngắc bám víu vào lòng thù hận bản thân hoặc bộ lạc, thậm chí cho đến chết. Cũng có thể là một vấn đề vinh dự khi sống trong tình trạng xung đột mạnh mẽ và hoàn toàn nam tính giữa quan điểm của linh mục quản xứ và quan điểm của một người, trong khi thừa nhận hoàn toàn sự kiện này là ngài làm công việc của ngài, trong khi tôi lo công việc của tôi.
Bức tranh hỗn hợp trên sẽ không phải là “mức trung bình” nếu không phải vì sự kiện này là thang giá trị tiếp tục dẫn lên cao hơn, giảm dần vào lãnh vực của những người được gọi là Kitô hữu nhiệt thành, nới rộng tới những người cố gắng sống cuộc hôn nhân Kitô giáo chân chính, biết kết hợp việc cầu nguyện có tính bản thân đích thực vào cuộc sống của họ; những người biết quan tâm, bằng một tinh thần bác ái chân chính, đến đồng loại của họ, đến người nghèo, người bị bỏ rơi, người không nơi nương tựa; những người biết xúc động trước các lao công truyền giáo của Giáo hội hoặc cả những người dâng mình, như các linh mục, chuyên nhất để phục vụ Giáo hội và sống phù hợp với các giới luật của Chúa Giêsu, khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời.
Tuy nhiên, chính những người như vậy dám đặt mình, có thể nói như thế, dưới ánh đèn sân khấu, những người hơn những người khác, tự chường mình cho con mắt dò xét của thiên hạ. Ngay cả những anh em đồng Kitô hữu thân yêu của họ cũng sẽ cật vấn họ, gõ họ từ đầu đến chân, để tìm một lỗ hổng ở đâu đó. Câu hỏi "Kitô hữu là gì?" có lẽ không phải là câu hỏi khẩn thiết như thế đối với nhóm đầu tiên đã đề cập. Vì họ có xu hướng, rất sẵn sàng và thậm chí với một mức độ khiêm tốn, chỉ về các “chuyên gia” trong Kitô giáo, dù chính bản thân họ không hề được thuyết phục bởi kiến thức và kỹ năng chuyên môn đó. Việc cật vấn các chuyên gia như vậy là một quá trình gây sợ hãi, vì giờ đây, Kitô hữu là ai đã thực sự trở nên rõ ràng. Bây giờ mọi điều đều có thể bị đe dọa. Câu hỏi có thể được chia thành một số câu hỏi riêng lẻ: Thứ nhất: Ai là người có quyền và có thẩm quyền trong việc xác định ai là Kitô hữu về phương diện thực nghiệm? Chẳng hạn một người ngoài Kitô giáo có thể làm điều này hay không? Đây có phải là một điều thậm chí có thể nhìn thấy hay không (nhưng làm thế nào không thể thấy nó cho được?), và, nếu có, theo tiêu chuẩn nào? Thứ hai: Ai là người có quyền và có thẩm quyền trong việc xác định ai là Kitô hữu về phương diện luật lệ? Ở đây một lần nữa, các thước đo, luật lệ, đòi hỏi nào cần áp dụng vào một người để trả lời câu hỏi này? Thật đáng báo động, nếu chúng ta suy nghĩ về nó một chút; nó không hề rõ ràng một cách tuyệt đối. Do đó, quả không thích đáng chút nào để chúng ta nên đặt câu hỏi: Thứ ba, câu hỏi có tính hiện sinh: Trên thực tế, một Kitô hữu có thể tự mình xác định liệu mình có phải là một Kitô hữu hay không, và nếu họ dám khẳng định điều này, thì họ dựa trên cơ sở nào mà khẳng định như thế? Câu hỏi Kitô hữu là ai đã được giả định mà không suy nghĩ tới mọi nỗ lực cải tổ Giáo hội ngày nay. Nói cách khác, nó đã được coi như chuyện đương nhiên, theo nghĩa người ta, một mặt, cư xử như thể chúng ta đã biết câu trả lời và dựa trên kiến thức này, chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Mặt khác, liên quan đến các giải pháp truyền thống và các lý tưởng hướng dẫn của Kitô giáo, họ tự cho phép mình tự do phát biểu sự nghi ngờ ý thức hệ mạnh mẽ nhất và do đó, mạo muội đo lường các khái niệm này dựa trên một tiêu chuẩn được họ áp dụng mà không cần phải biện minh cho nó. Không khó khi cô lập tiêu chuẩn không phản ảnh nhưng hiển nhiên này, vì nó tự phát xuất từ hàng loạt các khuynh hướng nổi bật, có ý hướng tốt, được mọi người hoan nghênh, nhưng cần được xem xét và sàng lọc một cách có phê phán, trong Kitô giáo hiện đại.
Ghi chú của người dịch
(*) sắc lệnh đức tin, hay án hỏa thiêu dị giáo
(**) Vụ Thảm sát Ngày Lễ Thánh Báctôlômêô diễn ra năm 1572 trong đó, đám đông Công Giáo sát hại nhóm Huguenot Thệ Phản Canvanh trong cuộc chiến tranh tôn giáo.
(***) "A mess of pottage" kiểu nói dựa theo truyện Êsau bán đứng quyền trưởng nam để hưởng một chén cháo đậu đỏ trong St 25:29-34, nghĩa là thiển cận, chỉ thấy những ưu tiên thứ yếu.
Ghi chú
(1) Hans Jürgen Schulz, Konversion zur Welt (Furche Verlag, 1964).
(2) Chẳng hạn, Hans Eckehard Bahr, Poiesis: Theologische Untersuchung der
Kunst (1961).
Kỳ tới: Chương Hai: Có Chúa đứng sau chúng ta, Phê bình các xu hướng hiện nay