Tình yêu, Mô thức của Đời sống Kitô hữu
Người đọc ngày càng mất kiên nhẫn. Làm sao người ta có thể nói dài dòng về Kitô hữu mà không đề cập đến mệnh lệnh chính là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và người lân cận? Thực thế, chúng ta nói về nó liên tục và sâu sắc, nhưng theo cách trước hết nhận diện cẩn thận đặc điểm phân biệt tình yêu này với tình yêu nhân bản nói chung và đã quen thuộc từ lâu của chủ nghĩa nhân bản. Các bạn hãy lưu ý chỗ dừng lại hơi kỳ lạ trong đoạn văn sau đây của Thánh Gioan: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Việc dừng lại và bắt đầu lại này là điều quan trọng nhất theo quan điểm Kitô giáo, và mọi điều tiếp theo đó đối với tình yêu của chúng ta.
Hướng di chuyển của tình yêu này là rời xa chúng ta và hướng về Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta, cả hai được liên kết mật thiết với nhau trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Con người, Thiên Chúa với tất cả chúng ta và Con người vì tất cả chúng ta. “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4:20). “Ai nói rằng ‘mình biết Người’ mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1 Ga 2: 4). “Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1 Ga 3: 14–15). “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8). Cách thức của tình yêu của chúng ta này được xác định bởi sự kiện này là chính chúng ta đã đón nhận nó từ Thiên Chúa và do đó phải truyền nó sang anh em của chúng ta. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4:11). Chuyển động của tình yêu này, phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và từ chúng ta đến anh em của chúng ta, có tâm điểm của nó ở tình yêu biết ơn của chúng ta đối với Chúa Kitô, Đấng đã giao phó tình yêu cho chúng ta như giới răn của Người — do đó khởi đầu nó là của Người và do đó nó cũng là của chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy... Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy... Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 14:15, 24; 15: 12–14).
Nét đặc thù của tình yêu này rõ ràng là sự kiện, theo gương Chúa Kitô, nó kéo dài cho đến chết. Quy luật chung của thiện cảm trong vũ trụ hệ ở việc tạo sự cân bằng khôn ngoan và công chính giữa tự bảo vệ và hy sinh bản thân; điều này, ngược lại, phục vụ lợi ích của việc bảo tồn nòi giống. Như vậy, về mặt sinh học mà nói, khi cha mẹ hết mình vì con cái hay về mặt xã hội học, khi người lính hy sinh vì tổ quốc. Nhưng sẽ thật điên rồ nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể cống hiến đời mình cho mọi người. Tình yêu Kitô giáo du nhập khoảnh khắc bất tận này, vì sự hy sinh quên mình của Thiên Chúa được du nhập vào tình yêu. Thiên Chúa đã phó mình hoàn toàn chết cho mọi người, những người đã được cứu chuộc trên Thập giá khỏi tội lỗi của mình và khỏi sự ghẻ lạnh không thể tưởng tượng được từ Thiên Chúa; do đó, đằng sau mỗi con người là thực tại này. Mọi người đều là điều mình là: một cá nhân, được Thiên Chúa vĩnh cửu yêu dấu, bất chấp mọi thứ dường như đối với tôi, họ là. Trong đức tin, tôi thấy đằng sau mỗi cá nhân là tình yêu của Con người, và có lẽ càng như thế hơn, khi người Con này càng phải gánh chịu nhiều hơn cho họ. Những người nghèo nhất là những người anh em gần gũi nhất của Người; và những người nghèo nhất không phải chỉ là những người chịu thiếu thốn bề ngoài mà còn nghèo khó về tinh thần, những người không có cánh cửa dẫn vào tình yêu, những người ngồi trong đêm đen tính ích kỷ, tính kiêu hãnh và tính tham lam của họ. Đối với một Kitô hữu, sẽ là dị giáo khi cho rằng Con Thiên Chúa không chết thay cho mọi người tội lỗi. Không có ai xa Người trên Thập giá hơn bất cứ ai khác; mỗi người đều đứng gần Người nhất có thể, đến mức không thể phân biệt được, đến mức đồng nhất, mỗi người là hàng xóm thân thiết nhất của Người. Phẩm chất vô tận, rộng lớn không thể tưởng tượng được, đã đi vào tình yêu trên Thập giá.
“Bỏ mạng sống vì anh em” không có nghĩa là chúng ta có thể chết, về mặt thể xác, cho nhau. Chỉ có Chúa mới có thể làm được điều đó. Nhưng nó có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng trên nguyên tắc, nếu nó xẩy ra, không giữ lại bất cứ điều gì từ bất cứ người nào. “Nếu ai ép anh em đi một dặm, anh em hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5:41), hoặc ba, hoặc chừng nào khi cần. Và Thánh Phaolô nói: “Nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?” (1 Cr 6: 7). Và chắc chắn khi là vấn đề ơn cứu rỗi đời đời, khi nó có thể đến với ngài hoặc tôi: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9: 3).
Thật kỳ diệu và có tính uốn nắn khi Chúa Giêsu Kitô trình bầy giáo huấn về người lân cận của chúng ta bằng cách sử dụng điển hình của một “kẻ dị giáo”, người Samaritanô. Điều mà thầy tư tế và thầy Lêvi không làm được, người đàn ông này đã làm được, khi vượt qua các rào cản của sự thù nghịch giữa người Do Thái và người Samaria. Bất luận ông ta làm điều đó vì một cảm thức thiện cảm hay tình nhân đạo đơn giản, Chúa đề cao những thuộc tính này dưới ánh sáng tình yêu của chính Người. Người coi hành động của người này đối với nạn nhân là một trong những tình yêu của Kitô hữu. Và chính Người, Con Thiên Chúa, do đó đã tự đứng cùng hàng với những người thực hiện những hành động yêu thương đơn giản, ẩn danh. Ai có thể biết chính xác nơi đâu trong thế giới rộng lớn này mọi hành động tự hiến như vậy đang diễn ra? Nơi đâu, một ai đó coi trọng hàng xóm của mình hơn tầm quan trọng của chính mình? Những điều như vậy vẫn nằm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Nhưng đối với người Kitô hữu, người hàng xóm thường xuyên gặp gỡ này trở thành một tấm gương trong đó Chúa Kitô được mạc khải cho họ. Người khác dường như không có khuôn mặt, một mảnh vật chất, một tế bào nằm trong tổng thể không hình dạng giống như chính tôi. Tuy nhiên, bỗng chốc, nếu cuộc gặp gỡ quả có diễn ra, họ thực sự trở thành người khác, đằng sau họ là tự do, phẩm giá và tính độc đáo của Người Hoàn toàn Khác. Từ Chúa Kitô, họ nhận được một khuôn mặt, có được sức nặng và tầm quan trọng vô hạn, và cũng buộc tôi phải xuất hiện từ chỗ ẩn danh — vì tôi phải đối mặt với họ, phải thừa nhận những nét riêng của tôi, phải chịu trách nhiệm cho bản thân và cho họ. Từ thế giới mơ mộng phi quyết định xuất hiện sự hiện hữu khách quan, có lẽ cả phản kháng nữa; dù sao, người ta bắt gặp được thực tại, mang một hình thức chắc chắn. Phía sau người anh em tôi là sự cam kết của Thiên Chúa, ngay cả cho đến chết, để họ thực sự có giá trị vĩnh cửu đối với Thiên Chúa; ánh mắt dõi vào cõi vô tận. Và đổi lại, trong phác thảo nhưng có thực, mọi khía cạnh của mạc khải bỗng xuất hiện như bật ra, giờ đây, người ta không cần các “mệnh đề” chừng mực, mà là những màu sắc đầy sinh khí để hoàn thành bức tranh. Nếu Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, thì sự hy sinh của Người sẽ không hoàn hảo và hoa trái của sự hy sinh này không hiện diện ở đây. Nếu Người không phải là người, thì mầu nhiệm hòa giải của Người không thể diễn ra, dưới góc độ tôi nói với người anh em tôi. Nếu Thiên Chúa không phải là ba ngôi, thì Chúa Kitô đã không thể thực hiện công trình của Người vì tình yêu đối với Chúa Cha vĩnh cửu, thì Thiên Chúa sẽ không phải là tình yêu trong chính Người ngay từ đầu, hoặc nói cách khác, để yêu, Người sẽ cần đến tạo vật, và như thế, Người sẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Và nếu ân sủng của một đức tin vâng phục không hiện hữu, thì cuộc gặp gỡ này ở đây không thể thực sự diễn ra trong thực tại của Chúa Kitô và tôi không thể nuôi dưỡng niềm hy vọng vĩnh cửu cho người anh em này của tôi. Và nếu Chúa Kitô không ở trong Bí tích, thì chúng ta sẽ không được tháp nhập vào trong Người một cách khôn tả như thế này, nhờ đó chúng ta chạm vào nhau như những chi thể của một thân thể và trong “tưởng nhớ” đến Người. Và nếu không có sự thú nhận tội lỗi, thì cuối cùng chúng ta vẫn sẽ bị giam giữ trong chính mình và không thể thay đổi từ những đứa con hoang đàng trở thành những đứa con tìm lại được trong một hành vi con người có thể hiểu được. Và lúc ấy, một lần nữa, có khoảng cách giữa chúng ta, những người không nên phán xét lẫn nhau, và Vị Thẩm phán thần linh cao cả trên cả hai chúng ta, người mà không ai trong chúng ta có quyền phán xét phủ đầu (preempt). Tuy nhiên, khoảng cách này được sự trung gian mầu nhiệm của một nhân vật không bao giờ có thể vắng mặt — bởi Người Phụ nữ đã và vẫn là Mẹ đối với Hài nhi này và người không từ bỏ thẩm quyền yêu thương, cầu bầu của mình; bởi Người phụ nữ che chở tất cả chúng ta bằng tình yêu nữ tính trong lòng mình; vì ngài mà chúng ta sẽ luôn là con của ngài, những đứa con mà ngài đã sinh ra trong đau đớn và tiếp tục sinh ra, cho đến khi cơn đau khi sinh nở của Giáo hội kết thúc và Người phụ nữ vui mừng và “không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”(Ga 16:21).
Không một thành viên nào trong bộ phận tín lý Kitô giáo mà lại không cựa quậy trong cuộc gặp gỡ với người lân cận của mình. Tất cả các thành viên này đều như đang ngủ, vô hồn và lý thuyết, giữa những trang bìa của sách giáo lý; tất cả họ đều vươn vai và cựa quậy khi lý thuyết trở thành thực hành trong cuộc gặp gỡ này. Một Kitô hữu thực tế là người mà với họ sự sống lại của sự thật này trong thực tế của cuộc sống thực sự đã xảy ra. Người ta có thể nói họ là một Kitô hữu thực sự, thực hành đạo. Họ là người yêu mến Chúa Giêsu và “tuân giữ các điều răn của Người”. Thực hành đạo có nghĩa là đem những điều răn này ra thực hành, và chúng ta biết mọi điều răn của Chúa Kitô đều có ý nghĩa đích thực của chúng trong điều răn yêu thương. Chính bởi duy nhất điều răn này mà một ngày nào đó, chúng ta sẽ bị phán xét, tùy theo cách chúng ta đã thực hành, hoặc không thực hành, tình yêu thực tế, tích cực, được thể hiện này. Cũng được đo lường bởi cùng một điều răn này là việc chúng ta có hiểu biết về Thiên Chúa hay không: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8). Hoàn toàn không có điều gọi là một đức tin lý thuyết, một việc làm Kitô hữu lý thuyết. Kitô giáo là một hình thức không thể hiện hữu bên ngoài hữu thể vật chất, hệt như hình thức của một bức tượng chỉ được thể hiện trong vật chất. Vấn đề là tình yêu tự thể hiện và tỏa sáng ở đâu, nó tự hiến cho ai, cho người lân cận của chúng ta, người, dù sao, chỉ có họ mới gần gũi chúng ta bởi vì Thiên Chúa trong Chúa Kitô hiện diện nơi họ và là người chỉ có thể được yêu thương như thế bởi vì trong họ, tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa đối với tôi và đối với họ như Tình yêu đầu tiên và Tình yêu cuối cùng bảo bọc mọi điều, kể cả cuộc gặp gỡ của chúng tôi.
Định nghĩa trên về thực hành Kitô giáo, thoạt nhìn, dường như đã được đưa ra mà không nghĩ chi đến khái niệm thực hành vốn được nhiều người chấp nhận. Giờ đây, chúng ta phải cho thấy nó bao gồm định nghĩa đó.
“Thực hành” nghĩa là gì?
Theo nghĩa đen và căn cứ vào sự kiện, nó có nghĩa là “thực thi”, diễn dịch thành thực hành một khả năng chuyên môn hoặc một loại khả năng khác. Một bác sĩ, hẳng hạn, thực hành: nói cách khác, ông ta áp dụng nghệ thuật của mình để phục vụ người bệnh. Cũng vậy, một Kitô hữu thực hành: nói cách khác, họ đem các ân sủng đã ban cho họ để phục vụ đồng loại. Do đó, sẽ không hoàn toàn chính xác nếu, khi định nghĩa một người nào đó như một Kitô hữu thực hành, chúng ta chỉ chú ý đến việc người đó có đi nhà thờ vào mỗi Chúa nhật và lãnh nhận các bí tích vào lễ Phục sinh hay không. Một đàng, vì đó chỉ là điều tối thiểu được các điều răn của Giáo hội đòi hỏi; đàng khác, thậm chí đó không phải là điều quan trọng nhất, vì điều quan trọng nhất là sống tình yêu thương Kitô giáo. Thay vào đó, có lẽ đây là một triệu chứng, tức là, về căn bản, họ sẵn sàng bênh vực Kitô giáo của họ. Đồng thời, cũng cần phải hỏi liệu đây là một triệu chứng lành mạnh hay bệnh hoạn. Trường hợp sau sẽ đúng nếu ai đó coi Kitô giáo như một hình thức công ty bảo hiểm để vào thiên đàng và theo đó chỉ phải trả lệ phí tối thiểu; tuy nhiên, trường hợp trước, nếu họ ý thức rằng đời sống Kitô hữu của họ, để có thể dài lâu, cần phải có hành động kỷ luật bản thân thường xuyên, một điều về lâu về dài đòi hỏi sự hy sinh không nhỏ. Chẳng hạn, lắng nghe hết Chuá Nhật này đến Chúa Nhật nọ một bài thuyết giảng làm người ta khó chịu. Trong sự hy sinh như thế, có một sức mạnh chứng tá đáng kể; điều này, đến một mức độ nào đó, có thể biện minh cho việc nhấn mạnh và chú ý gần như chuyên nhất vào hành động này của các giáo sĩ, những người hiện đã quen với việc đếm “đoàn chiên nhỏ” của họ theo yếu tố này.
Thế nhưng, cụm từ này vẫn rất dễ bị hiểu lầm, bởi vì nó đòi áp dụng tên của toàn bộ vào một khía cạnh duy nhất, mặc dù không nghi ngờ gì là khía cạnh này không phải là không quan trọng; hay đúng hơn, đối với Kitô hữu “thực hành”, tính toàn bộ hàm chứa trong danh xưng này, cũng như trong tất cả các yếu tố riêng lẻ khác, đã không được diễn đạt ở đây một cách thỏa đáng theo tực tại thực tế.
Giáo hội là ánh sáng thế gian, là muối đất, là men trong bột. Giáo Hội cũng có tương quan đối với thế giới, giống như mặt trời là lửa cô đọng để có thể phát năng lực sưởi ấm và chiếu sáng của nó đến những vùng tận cùng của thái dương hệ. Chỉ với men hoặc muối mà thôi, người ta không thể làm gì được; trong việc nhào tới nhào lui, hòa tan và biến mất, trong thịt hoặc trong bột, cả hai mới biểu lộ sức mạnh và hoàn thành bản chất cốt yếu của chúng. Giáo Hội là sự cô đọng tuyệt đối không thể thiếu cho sự nở phồng. Vì "nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?" Cô đọng hay tập trung [concentration] nghĩa là lắng nghe và tích cực suy nghĩ về những điều chủ yếu. “Thực hành” nghĩa là đi tham dự Thánh lễ vào các Chúa Nhật. Trong Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta nghe Lời được công bố (và nếu lời công bố này không đủ cho cuộc sống chúng ta, chúng ta buộc phải bổ sung bằng cách tự đọc Sách Thánh của riêng mình). Tất nhiên, việc nghe này không phải là một mục đích ngay trong nó mà bao hàm hành động của chúng ta, trước hết là sự hoán cải của chính chúng ta, để đối với bên ngoài, chúng ta có thể hướng người khác về phía Thiên Chúa một cách đáng tin cậy. Bí tích Thánh Thể làm Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn và giữa cả mọi con tim; nó kết nối các trái tim lại với nhau thành một Thân thể thánh thiện, vì trong sứ mệnh không ai đơn độc mà luôn có một cộng đoàn ở phía sau. Bí tích Thánh Thể chinh phục chính tâm hồn chúng ta, để “không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Đặc biệt là trong những giây phút đích thân suy niệm và tạ ơn, việc trút bỏ bản ngã cho Đấng vĩ đại hơn, cho Chúa Kitô và các ý định của Người: Giáo hội và thế giới. Đó là lý do tại sao việc cử hành kép, Lời Chúa và Bí tích, nhất thiết phải kết thúc bằng việc sai đi, Ite missa (sứ mệnh) est. Người được sai đi là người đã trở nên “trưởng thành” qua việc cử hành; người đã hiểu Lời từ Thập giá và Thân thể trên Thập giá, vì cả hai chỉ là một, và là người đã biến chúng thành mô thức của sự sống mình trong thế giới, cho thế giới.
Điều thứ hai thuộc về “thực hành” là đi xưng tội, một lần hoặc nhiều lần một năm. Đây là một hành động mang tính bản thân cao và không hề có nghĩa một thủ tục máy móc. Bao lâu chúng ta tận dụng điều đó một cách có trách nhiệm, qua lòng thành thật xưng tội, ăn năn thực sự và nhất định hoán cải, chúng ta sẽ chắc chắn và thậm chí ý thức rõ tác dụng sâu xa của ân sủng tha thứ. Mô hình của chúng ta là đứa con hoang đàng. Để tri nhận và thừa nhận tất cả sự vô ơn trong đó chúng ta sống vô vị hàng ngày và không suy nghĩ trong khi một người khác, bằng cái chết và bị bỏ rơi, chuộc tội cho chúng ta vì đã quên Thiên Chúa. Để có được cái nhìn thoáng qua về toàn bộ hố sâu kinh hoàng mở ra giữa điều răn lớn đầu tiên của Chúa Kitô, tức phải hết sức yêu mến Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta như chính chúng ta, hay một cách sâu xa hơn, là yêu người lân cận và chính chúng ta trong tinh thần của Chúa Kitô, và điều răn đầu tiên của tôi. Để đặt tất cả các điều răn khác của Núi Sinai và mọi lề luật tự nhiên bên dưới tiêu chuẩn chính của Kitô giáo này hòng tìm ra thước đo thích hợp để đánh giá bản thân. Và một khi chúng ta đã tìm ra điều này, trong một cuộc xét mình chân chính để xưng tội, để áp dụng nó vào thực tế, hoặc “thực hành” nó, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bí tích giải tội cũng vậy, được coi là ánh sáng và muối của cả cuộc đời chúng ta, và chúng ta không đặt ánh sáng dưới một cái thúng; chúng ta không đóng kín việc xưng tội trong một tòa giải tội kín gió và cách âm. Đó là một hành vi trong Giáo hội, và điều rất có ý nghĩa là trong thời Giáo Hội sơ khai đầu tiên, nó diễn ra công khai, trước mặt cộng đồng. Nó có mục tiêu hòa giải các cá nhân ích kỷ chúng ta, những người đã lẻn ra khỏi tình yêu thương của Giáo hội hoặc tự loại mình hoàn toàn ra khỏi tầm với của Giáo Hội, không những với Thiên Chúa mà còn với “Hiệp thông các Thánh”. Nó có mục đích khôi phục cho chúng ta sự trong sạch thiêng liêng giúp chúng ta có thể đại diện trước thế giới cho Thần Khí Chúa Kitô và Hiệp thông các Thánh này, như bổn phận Kitô hữu của chúng ta, vì biết rõ rằng việc tha tội là một ân sủng thuần túy mà không bao giờ chúng ta xứng đáng có được và chúng ta không nên phô trương, theo kiểu Biệt Phái, như “những người đã hoán cải” trước mặt những người chưa được hoán cải, nhưng thay vào đó, bằng nỗ lực của đời sống Kitô hữu của chúng ta, là dấu chỉ dẫn đến nguồn duy nhất của mọi ân sủng và sứ mệnh.
Thứ ba, “Thực hành” bao gồm một cuộc sống diễn ra trong bối cảnh và nhịp điệu của thời gian đã định của Giáo hội, tức năm phụng vụ. Việc tưởng niệm có chu kỳ và lặp đi lặp lại các biến cố quan trọng nhất trong ơn cứu rỗi của chúng ta có mục đích như một hình thức tập luyện trong đời sống Kitô hữu. Trong thực hành, người Kitô hữu phải chu toàn những thời gian mừng lễ này theo cùng một cung cách mà Giáo hội, với tư cách là Hiền thê thánh thiện của Chúa Kitô, cảm nghiệm “ngày hôm nay” của Giáng sinh, Thương khó, Phục sinh và Hiện xuống. Tất cả chúng ta đều đã quá quen thuộc với nhịp điệu này để có thể trân qúi bản chất kỳ diệu và vui tươi của nó, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được không một cuộc sống không có những ngày lễ Kitô giáo, vậy mà thời gian trôi qua sao lại trở nên cũ kỹ và trống rỗng đến thế! Thực hành lễ Giáng sinh, theo nghĩa này, có nghĩa là chuyển dịch tinh thần của ngày lễ vào đời sống của chúng ta: sự kiện Thiên Chúa, mặc dù giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo khó của Người (2Cr 8:9). Ngày lễ này, bị lạm dụng một cách đáng xấu hổ như ngày sinh của Mammon [Thần Tài], bị bóp méo đến mức không thể nhận ra và đã trở thành điều ngược hẳn lại với nó, phải được các Kitô hữu khôi phục lại ý nghĩa nguyên thủy của nó. Cũng vậy, không nên duy trì bệnh nhũn xương [softening of bones] hiện đại ngay cả trong thời gian đền tội dẫn đến ngày Chúa Giêsu chịu chết. Cả Lễ Phục sinh cũng vẫn phải là lễ Phục sinh của chúng ta, không phải dành cho niềm vui đời này và cuộc cách mạng lạc quan trên thế giới này, mà là dành cho Cha của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chộp lấy Người, vì chúng ta và với chúng ta, “qua vinh hiển Chúa Cha” thoát khỏi đêm đen vĩnh cửu và bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Cũng thế, trong cuộc “Thăng Thiên”, Chúa đã không rời bỏ chúng ta nhưng đã “nâng chúng ta lên với Người, và cho chúng ta ngồi với Người trên trời” (Ep 2:6). Cũng thế, việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần là điểm khởi đầu cho việc sai các tông đồ ra đi “khắp thế gian”, trong yếu đuối và sợ hãi, “không dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2: 3–4), trong khi những tuần lễ dài sau Lễ Ngũ Tuần cho phép chúng ta, một cách tượng trưng, có tất cả thời gian cần thiết cho việc này.
Cuối cùng, “thực hành” là một điều gì đó được cá nhân theo đuổi, không những trong những cách thức đã quen thuộc về phương diện xã hội của năm phụng vụ, mà còn trong các cách thức chưa quen thuộc của riêng thân phận họ, những cung cách họ sẽ nhận ra trong những lúc hân hoan, nhưng có lẽ còn rõ rệt hơn trong những lúc gian nan thử thách. Ở đây, họ phải đối diện với các thách thức đầy đòi hỏi của việc phải giải thích đời mình của họ trong các thực hành đối với Thiên Chúa. Họ gặp nhiều giới hạn của họ, họ cảm thấy sự bất lực của họ, cảm thấy sự thất vọng vô bờ bến đối với bản thân và cuộc sống của họ; một người thân yêu đã bỏ rơi họ, trong cái chết, một người khác đã phản bội họ, bất trung; một cơn gió băng giá thổi qua nơi trống trải; đã đến lúc phải quyết định, Thiên Chúa hay hư vô. Còn hữu hiệu hơn nữa là những sự sỉ nhục mà Chúa đã hứa ban cho bằng hữu của Người như một ân sủng lớn lao và là những sỉ nhục khi chúng xẩy đến, phải luôn nhắc nhở chúng ta về Người, vì “môn đệ không hơn thầy, đầy tớ cũng không hơn chủ” (Mt 10:24). Chúng là dấu hiệu cho thấy Chúa và Chủ không quên tôi tớ. Thất bại, đánh bại, đảo ngược, nói hành, khinh thường; cuối cùng, như chính hiện thân của đời Người, sự phá sản lớn lao, tất cả những điều này là bánh hàng ngày của Chúa Kitô. Nó mãi mãi là số phận của Giáo hội cho đến thời gian tận cùng, và bất cứ ai muốn thuộc về Giáo hội phải chuẩn bị cho mình những điều như vậy, vì nó sẽ không bao giờ bị thay thế bởi bất cứ hình thức biến hóa nào.
Vì vậy, “thực hành” được đặt một cách chính xác trong bối cảnh tổng thể của đời sống Kitô hữu. Nó cũng có thể là một hành vi tập trung có tính hồi tưởng, “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, nhưng luôn luôn theo hướng chuyển về hướng giãn nở hoặc mở rộng vào thế giới. Đúng là chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong dấu chỉ của Lời và Bí tích, nhưng với điều kiện duy nhất là tìm kiếm Người một cách say mê hơn bao giờ hết — ut inventus quaeratur immensus est (để đấng đã tìm thấy được tìm hiểu, vì Người vô tận), để Người không ở đâu thì chúng ta phải đem Người tới đó. Hay, đúng hơn (vì Người vốn hiện diện khắp mọi nơi), Người đã ngụ cư ở đâu nhưng không ai thấy Người, thì chúng ta phải làm Người hiển hiện ở đó.
Ghi chú
(1) “Vì sự thật được xác quyết về nhiều sự vật theo nghĩa chính và nghĩa phụ, nên nó phải được xác quyết trước nhất về điều mà trong nó, ý nghĩa đầy đủ của nó được tìm thấy trước nhất”: Thomas Aquinas, De Veritate 1, 2, bản tiếng Anh của Robert W. Mulligan, S.J. (Chicago: Henry Regnery, 1952).
(2) Đối với việc phát biểu tiêu đề này, tôi biết ơn Giáo sư P. D. Barthélemy, O.P., người đã cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về mối liên hệ giữa nghèo đói và Tin Mừng.
(3) Đức Hồng Y Leon Joseph Suenens, The Nun in the World (Người Nữ Tu ở trong Đời), bản tiếng Anh của Geoffrey Stevens, tái bản (Westminster, Md: Newman Press, 1963), 37.
(4) Đã dẫn, 40.
(5) Đã dẫn, 43.
(6) Đã dẫn, 59–60.
(7) Đã dẫn, 53.
(8) Sự biến đổi này được Henri de Lubac mô tả rất đẹp trong “Credo Ecclesiam” (Tôi tin Giáo Hội), trong tuyển tập các bài báo tôn vinh cuốn Sentire Ecclesiam (Cùng Cảm nhận với Giáo Hội) của Hugo Rahner, 13–16 (1961).
(9) Để có một góc nhìn tuyệt vời về vấn đề này, xin xem Willibrord Hillmann, “Perfectio Evangelica: Der klösterliche Gehorsam in biblisch-theologischer Sicht” [Hoàn thiện theo Tin Mừng: Đức vâng lời đơn tu theo quan diểm Kinh thánh-Thần học], Wissenschaft und Weisheit [Khoa học và Khôn ngoan] 25 (1962): 163–68.
Kỳ tới: Chương 4: Mất quyền sở hữu và sứ mệnh thế giới