CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
ĐƯỢC MỜI GỌI TỚI SỰ TỰ DO
1 V 19, 16b.19-21; Gl 4, 31 – 5,1,13-18; Lc 9,51-62

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy tập trung vào bài đọc thứ II. Bài đọc này đề cập đến một chủ đề rất sống động của đời sống Kitô hữu, đó là tự do. Trong đó, thánh Phaolô nói rằng:

“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do (Gl 5,1-2.13).

Khi ngheo những lời này, ai trong chúng ta đều muốn được tự do. Trong tác phẩm Luyện Ngục, nhà thơ Dante nói rằng: “Tự do là điều anh đang tìm kiếm, quả là điều đáng yêu. Nhưng cuộc đời như lại từ chối nó” (Purgatorio 1,71 s.).

Tự do là từ ngữ được nói nhiều trên môi miệng con người hôm nay. Nó là giá trị đầu tiên của Tam Tài rất nổi tiếng trong cuộc cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, huynh đệ.” (Liberté, égalité, fraternité).

Bức tượng Nữ Thần tự do ngự trị ngay tại cửa vào thành phố New York là biểu tượng không chỉ của nước Mỹ, nhưng còn là biểu tượng cho mọi dân tộc về khát vọng tự do.

Tự do được đưa vào trong mọi tuyên ngôn nhân quyền. Người ta nói về sự tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do in ấn, tự do nghiên cứu, tự do chính trị và tôn giáo… Tất cả những điều này là thành tựu rực rỡ của nhân loại mà chúng ta phải chào đón với niềm hân hoan vui mừng.

Như chúng ta đã biết, trong thực tế, các hiến chương nhân quyền đã được phê chuẩn nhưng thế giới hôm nay vẫn chưa thực sự có được sự tự do này, đặc biệt chưa thực hiện được những quyền căn bản nhất của con người về các quyền tự do.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nếu một ngày kia khi con người đạt được những thứ tự do đó, nhân loại vẫn chưa thực sự được tự do. Quả thật, có một mức độ khác của tự do không thuộc những quyền tự do mà các hiến chương nhân quyền phê chuẩn, dù chúng rất giá trị và đáng quý nhưng không làm cho con người được tự do đích thực và hoàn toàn.

Chúng ta cố gắng khám phá thứ tự do mà chúng ta đang đề cập ở đây. Ovidio là một nhà thơ La Tinh dù không nổi tiếng lắm nhưng đã viết hai vần thơ để đời: “Tôi thấy điều thiện làm tôi thích, nhưng rồi tôi lại làm điều dữ” (Video meliora proboque/ deteriora sequor). Đây là kinh nghiệm phổ quát của nhân loại. Nhiều lần chính chúng ta cũng đã sống như thế. Mọi người quá hiểu quá rằng hút thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc là tự phá hủy đời mình. Biết rõ như thế, định không làm, nhưng khi có cơ hội, ta vẫn cứ sa ngã.

Không ai mô tả tình trạng này hay hơn chính thánh Phaolô: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7,15-24).

Cũng trong chính thư này, thánh Tông Đồ giải thích lý do tại sao lại thiếu vắng sự tự do này:

“Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” (Gl 5,17-18).

Như thế, lý do chính yếu làm chúng ta không được tự do không phải là ở ngoài chúng ta, nhưng là ở trong chúng ta. Nó có hai loại: hoặc do sợ hãi nên phải giữ luật, nhưng lại thiếu xác tín bên trong, vì tránh sự chê bai, hình phạt, hay để có lợi cho mình; hoặc vì những ham muốn vô trật tự, những bản năng không kiểm soát... Như một số người ở cộng đoàn Côrintô cho rằng: “Tôi được phép làm mọi sự” (1 Cr 6,12). Thánh Tông Đồ nhắc nhở họ: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).

Nếu nhìn lại mình một cách nghiêm túc, tại sao chúng ta chưa được tự do trong tâm hồn vì hai nguyên nhân trên.

Ngày hôm nay, con người đang đánh mất cảm thức về tội và nỗi sợ hỏa ngục, sống trong xã hội như thế, chúng ta có nguy cơ đánh mất sự tự do mà Chúa Kitô đã trả bằng giá máu cao quý của Người. Con người hôm nay đang thiếu sự tự do đích thực vì họ đang trở thành nô lệ của đam mê và bản năng, của dư luận đám đông. Luật con người hôm nay còn nghiêm khắc hơn luật Môsê, đó là luật “người ta làm sao tôi làm vậy,” luật chạy theo đám đông.

Tôi lấy một ví dụ rất thực tế: đó là những quan hệ tiền hôn nhân. Một cô gái 26 tuổi viết thư cho tôi: “Con phải nói lời cám ơn tới người yêu tôi. Anh là một người dễ thương, chân thành và rất mực thương tôi. Nhưng điều đẹp đẽ nhất là điều mà chúng con đã cùng nhau chọn lựa sống khiết tịnh cho đến ngày thành hôn. Khi chúng con giải thích cho mọi người về sự chọn lựa này để họ hiểu rằng điều đó là đẹp đẽ, cao thượng và giữ cho tương quan của chúng con bền vững, thì mọi người cười và cho chúng con là điên rồ!”

Giờ đây, chúng ta tự hỏi giữa đôi bạn trẻ và những người cười chê họ, ai là người tự do hơn ai? Dĩ nhiên những người trẻ sông chung trước hôn nhân có ít tự do hơn đôi bạn trẻ này. Nhiều lúc sự đổ vỡ không chỉ đơn thuần vì “ham muốn xác thịt” không được thỏa mãn, nhưng còn do dư luận và áp lực từ môi trường xã hội. Một bạn trai đòi hỏi người bạn gái phải đáp ứng một điều gì đó, cô ta phải làm, bởi vì nếu không, bạn bè chê cười và cô có thể mất người mình yêu. Một chuỗi của những ép buộc và hăm dọa ngầm mà người ta thường ngụy biện “tự do là làm điều mình muốn.”

Thánh Phaolô, người xướng ca vĩ đại về sự tự do Kitô giáo, đã công hiến một ý tưởng khích lệ chúng ta:

“Ở đâu có Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa, ở đó, có sự tự do” (2 Cr 3,17). Lý do đơn giản là ở đâu có Chúa Thánh Thần của Đức Kitô, nghĩa là có ân sủng, đây không phải là mệnh lệnh phải làm mà là sức mạnh bên trong giúp thực hiện. Đó là Chúa Thánh Thần, Người hoạt động trong và với chúng ta. Trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề: “Tôi chọn tự do,” tác giả V. Kravtchenko, một viên chức của đảng cộng sản Liên Xô chạy trốn sang Tây Phương, đã cho biết sự ghê sợ của những hình phạt trong nhà tù như thế nào. Tựa đề này trở thành châm ngôn và lời mời gọi cho chúng ta sau khi đã nghe thánh Phaolô nói về sự tự do đích thực. Chúng ta hãy chọn tự do! Và tự do đích thực của chúng ta chính là sự tự do mà Chúa Giêsu Kitô đã ban tặng nhờ cái chết trên thập giá, tự do khỏi mọi tội lỗi và các hình thức nô lệ của nó. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/