Như mọi người đã biết trong vòng phiếu thứ hai, liên danh của Javier Milei đã thắng, theo A.P., ít nhất với tỷ lệ 56% tổng số phiếu bầu, bỏ xa liên danh đối thủ đang cầm quyền của Sergio Massa (44%). Tỷ lệ này cao hơn mọi tiên đoán của các cuộc thăm dò bầu cử và cao nhấtkể từ khi Á Căn Đình trở lại với chế độ dân chủ năm 1983.



A.P. trích dẫn phát biểu của Lucas Romero, đứng đầu Synopsis, một công ty tư vấn chính trị: “Đây là một chiến thắng ít do Milei và những điểm đặc biệt và đặc thù của ông ta cho bằng do đòi hỏi thay đổi. Điều được phát biểu tại phòng phiếu là sự chán nản, mệt mỏi, lá phiếu phản đối của đa số dân Á Căn Đình”.

Nhu cầu thay đổi mạnh đến nỗi Andrei Roman, CEO của Atlas Intel, công ty thăm dò dư luận trụ sở ở Ba Tây, cho rằng: “Có nhiều cử tri vốn không được thuyết phục bỏ phiếu cho Milei, họ muốn bỏ phiếu không hoặc bỏ phiếu trắng. Nhưng đến ngày bỏ phiếu, họ đã bỏ phiếu cho Milei vì họ chán quá rồi. Nhiều người nói tới nỗi sợ Milei thắng. Nhưng theo tôi, chính là nỗi sợ Massa thắng và nền kinh tế tiếp tục đường lối hiện nay, lạm phát và đủ mọi chuyện”.

Điều trên được phản ảnh nơi nhiều cử tri. Esteban Medina, một nhà điều trị thể lý 26 tuổi nói với A.P., “tiền ngày càng mua được ít điều hơn. Tôi là một cá nhân có bằng cấp, nhưng lương của tôi không đủ cho thứ gì cả”.

María Gabriela Gaviola, một nữ doanh nhân 63 tuổi cố gắng hết sức để giữ cho công ty của bà khỏi bị đóng cửa, kể cả làm hai công việc, nhưng chính phủ chẳng giúp gì bà. Bà cho biết: “Khu vực sản xuất của xứ sở này không được xem xét. Một đất nước mà không sản xuất thì yên ổn được bao lâu? Sự thật là tôi không hề biết Milei. Tôi nghe về ông ta rất ít. Tôi không biết ông ta, nhưng người mà tôi vốn biết chẳng giúp gì tôi. Tôi thích thử một điều mới mẻ”.

Á Căn Đình trực tiếp bác bỏ người con làm Giáo Hoàng của mình?

John Allen, trong bài “Precedents for Argentina’s rebuke to the Pope are hard to find” trên tạp chí Crux ngày 21 tháng 11, dường như muốn khẳng định như thế, vì cho rằng họ đã “chọn một tổng thống hết sức đứng ở phía đối lập với Đức Phanxicô gần như trong mọi vấn đề”.

Không những Javier Milei, “nhà tư bản vô chính phủ” tự nhận mình có một nghị trình chính trị và xã hội khác với người con bản xứ nổi tiếng nhất đất nước mình. Milei nhiều lần còn tấn công Đức Giáo Hoàng bằng lời nói, gọi ngài là “thằng đần”, “tên cộng sản” và “thằng khốn nạn”.

Trong khi ấy, người cùng liên danh với Milei, Victoria Villarruel, là một tín đồ của Thánh lễ Latinh truyền thống, người được cho là có liên kết với Hiệp hội Linh mục Thánh Piô X, cơ quan do cố Tổng Giám mục người Pháp Marcel Lefebvre thành lập đã đoạn tuyệt với Rome vì phản đối những cải cách của Công đồng Vatican II (1962-65) - những cải cách tất nhiên là kim chỉ nam của triều giáo hoàng Phanxicô.

Những người quan tâm đến triều giáo hoàng hiện nay không thể không lưu ý tới những gì diễn ra trong biến cố này.

Milei và Villarruel không chỉ thắng nhỏ. Họ đã giành được 56% phiếu bầu, một trong những chiến thắng cách biệt lớn nhất trong lịch sử chính trị gần đây của Á Căn Đình, bất chấp thực tế là nhiều người Công Giáo Á Căn Đình, đặc biệt là nhóm “linh mục khu ổ chuột” được Đức Phanxicô sủng ái, đã tích cực vận động chống lại họ.

Hãy xem xét điều trớ trêu: Đức Phanxicô là một người hết sức dân túy, người đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo nên nghe theo ý kiến của người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có vẻ như dân của ngài không làm theo ý ngài.

Chúng ta có bao giờ chứng kiến một tình huống nào trước đây mà quê hương của một vị giáo hoàng lại đưa ra một chỉ trích nặng nề như vậy trong một cuộc bầu cử dân chủ chưa?

John Allen nêu ra một vài thí dụ rải rác từng xuất hiện ở Ý dịp thống nhất nước này chống lại Đức Piô IX thập niên 1870, hay cuộc trưng cầu dân Ý cũng ở Ý năm 1981 ủng hộ phá thai, và việc quốc hội Ba Lan năm 1991 không thông qua đạo luật chống phá thai trước chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Tất cả đều đi ngược lại vị Giáo Hoàng đương nhiệm, tuy có khác với biến cố Á Căn Đình hiện thời vì không diễn ra tại ngay quê hương của Đức Giáo Hoàng.

Cả cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ cũng thế khi các cử tri chọn Donald Trump mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có lúc đưa ra gợi ý nổi tiếng rằng quan điểm của ông về vấn đề nhập cư “không phải là Kitô giáo”. Chỉ có điều, rõ ràng điều đó đã không xảy ra ở đất nước của giáo hoàng.

Thành thử: Mặc dù các giáo hoàng không phải lúc nào cũng thu hút được những đánh giá chính trị tích cực ở trong nước, và chắc chắn đã có những lúc cử tri không đi theo hướng mà vị giáo hoàng đương nhiệm có thể được tri nhận là ủng hộ, nhưng thực sự không có điều gì có thể so sánh được, ít nhất một cách trực tiếp, với kết quả ở Á Căn Đình.

John Allen tự hỏi: Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước ở Á Căn Đình vẫn còn phải xem xét, nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta dường như đang ở trong một lãnh thổ chưa được khám phá bao nhiêu- và đối với Giáo Hội Công Giáo, chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên một điều gì đó rồi.

Đức Phanxicô điện thoại chúc mừng Milei

E ngại của John Allen trên đây không hoàn toàn chính xác. Vì theo bản tin ngày 21 tháng 11 của ACI Prensa, một hãng tin bằng tiếng Tây Ban Nha, chính Đức Phanxicô đã gọi điện thoại chúc mừng Milei khi ông này đang trả lời một cuộc phỏng vấn.

Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp xúc với tổng thống đắc cử của Á Căn Đình, Javier Milei, để chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào hôm Chúa nhật. Nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do, người từng tranh cử cho đảng La Libertad Avanza (Tự do thăng tiến), sẽ nhậm chức vào ngày 10 tháng 12.

Những người thân cận với chính trị gia này nói với trang tin trực tuyến Infobae rằng Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho tổng thống tương lai của Á Căn Đình vào hôm thứ Ba và đã có một cuộc trò chuyện “vui vẻ và rất tốt đẹp”.

Theo hãng tin này, người làm cho cuộc tiếp xúc trở thành khả hữu là bác sĩ nhãn khoa của Đức Giáo Hoàng, Fabio Bartucci. Cuộc điện đàm đã được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Khi cuộc gọi được thực hiện, Diana Mondino, một thành viên của đảng La Libertad Avanza của Milei vừa được bầu vào Cơ quan lập pháp quốc gia, đã đích thân đi tìm Milei, người đang ghi hình lại một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, và tổng thống đắc cử đã gián đoạn cuộc phỏng vấn để nói chuyện với Đức Thánh Cha.

Milei cũng đã gửi lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Á Căn Đình vào năm tới “với tư cách là nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Giáo hội,” Infobae nói thêm.

Cổng thông tin Todo Noticias tuyên bố rằng, theo các thành viên trong nhóm của Milei, Đức Giáo Hoàng được tường thuật là “đã phản hồi tích cực” đối với lời mời.

Trong cuộc trò chuyện, người theo chủ nghĩa tự do đã xưng hô với giáo hoàng là “Đức Thánh Cha” và một nhà lãnh đạo thân cận với Milei nói rằng “họ đã nói chuyện với nhau rất tốt. Thật là xúc động."

Các nhân chứng của cuộc trao đổi giữa hai người nói với Infobae rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh với tân tổng thống rằng “sức khỏe, giáo dục và nghèo đói là những vấn đề rất quan trọng”.

Đáp lại, Milei cho biết ông tin chắc rằng những thay đổi mà ông dự định thực hiện “sẽ tốt cho người dân”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi vị tổng thống tương lai phải có “sự khôn ngoan và lòng can đảm để cai trị”, Milei đã trả lời: “Tôi có lòng can đảm, tôi đang làm việc dựa trên sự khôn ngoan”.

Cuộc điện đàm từ Rome diễn ra sau một số lời chỉ trích gay gắt đối với vị giáo hoàng của Milei. Trong các tuyên bố công khai, tổng thống sắp tới đã tuyên bố rằng giáo hoàng là “đại diện của kẻ ác trên Trái đất” và đã đưa ra những lời lăng mạ khác, khiến ông phải xin lỗi.

Trong các cuộc tranh luận tranh cử chức tổng thống, Milei, ngoài việc đưa ra lời xin lỗi, còn bảo đảm rằng nếu Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Á Căn Đình, ngài sẽ được tôn trọng “không những trong tư cách nguyên thủ quốc gia mà còn trong tư cách nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo”.

Trong những tuần gần đây, khả năng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quê hương của ngài bắt đầu có đà, và các giám mục của quốc gia tề tựu tại phiên họp toàn thể lần thứ 123 của họ thậm chí còn chính thức hóa lời mời bằng một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng.

Một bài báo ngày 14 tháng 11 trên Infobae cho rằng Đức Giáo Hoàng đã nói với những người thân cận với ngài rằng quyết định đi du lịch không tùy thuộc kết quả của cuộc bầu cử.